Đặc biệt vụ hè thu thường xuyên xảy ra hạn nặng, nhiều diện tích đất lúa không đủ nước tưới phải bỏ hoang hoặc gieo vãi lúa dưới dạng “nhờ trời” dẫn đến rủi ro cao. Trước tình hình đó việc chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang gieo trồng  một số cây trồng có khả năng chịu hạn, hoặc sử dụng ít nước nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế.

Xuất phát từ thực tế đó, vụ hè thu 2016, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã xây dựng mô hình chuyển đổi sản xuất trên đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các giống đậu xanh năng suất, giá trị cao tại xã Gio Phong, Gio Bình của huyện Gio Linh (6 ha) và xã Triệu Nguyên (2 ha), huyện Đakrông. Mô hình sử dụng giống đậu xanh ĐX 208.

Mô hình đậu xanh trên đất lúa thiếu nước vụ hè thu 2016 ở xã Triệu Nguyên – huyện Đakrông

Qua quá trình theo dõi, thấy cây đậu xanh sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp trên chân đất lúa thiếu nước, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả khá cao. Mô hình đã tạo nên bước đột phá mới trong việc chuyển đổi cây trồng tại địa phương, đồng thời sẽ làm cơ sở cho việc khuyến cáo đưa vào sản xuất đại trà trong thời gian tới. Hiện nay nông dân đã thu hoạch xong đợt 2, năng suất đạt 1 tấn/ha. Theo dự kiến sau khi kết thúc thu hoạch năng suất đạt 1,5-1,7 tấn/ha.

Ông Lê Đình Sáng, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông cho biết, xã Triệu Nguyên là xã miền núi. Vụ hè thu nhiều diện tích lúa bỏ hoang do không có nước tưới, vì vậy chuyển đổi sang trồng đậu xanh rất phù hợp. Với giá bán hiện nay 25.000 đồng/kg, chi phí đầu tư thấp nên mỗi ha cho thu nhập 20 triệu đồng, bà con rất phấn khởi.

Qua ý kiến phản hồi của bà con nông dân xã Gio Phong - huyện Gio Linh, nhận thấy rằng: Mô hình sản xuất đậu xanh trên đất lúa thiếu nước, vụ hè thu 2016 có năng suất và lợi nhuận cao hơn so với canh tác lúa trên cùng chân đất, cây đậu xanh phát triển tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, độ an toàn cao. Canh tác lúa chủ yếu may rủi nhờ trời, mức độ an toàn thấp, nhiều năm đã bị thua lỗ nên nông dân bỏ hoang ruộng làm lãng phí đất đai.

Thông qua mô hình, bà con nông dân được tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Kết quả của mô hình, phần nào tác động đến công tác chuyển đổi những ruộng lúa thiếu nước sang trồng cây đậu xanh, đồng thời từng bước ứng dụng vào sản xuất đại trà trong thời gian tới, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, hạn chế rủi ro, tạo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.

Trần Cẩn

Trung tâm KN Quảng Trị