Là huyện đồng bằng có nhiều diện tích đất thấp trũng, đất nông nghiệp (ao, hồ) nuôi cá, tuy nhiên, thời gian nuôi ngắn do phụ thuộc vào mùa mưa lũ nên hiệu quả không cao. Những năm gần đây, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Triệu Phong đã khuyến khích, tạo mọi điều kiện để người dân đưa cây sen vào trồng với diện tích hơn 100 ha, trong đó tập trung nhiều ở các xã như: Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Thượng, Triệu Hòa... Sen được trồng chủ yếu ở những vùng đất thấp trũng, những vùng ao, hồ diện tích lớn thì vừa trồng sen kết hợp với nuôi cá nước ngọt để đem hiệu quả kinh tế cao hơn.

Về xã Triệu Trung vào thời gian này, chúng ta có thể thấy trên các vùng ao, hồ của địa bàn xã đã chuyển thành một màu xanh, tươi mát xen lẫn những bông sen hồng đang nở với mùi hương thoảng thoảng, thơm ngát. Gặp chúng tôi ở ruộng sen, anh Phan Văn Bình thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung rất phấn khởi vì mồ hôi công sức bỏ ra sau bao ngày chăm bón cũng đã được đền đáp. Anh Bình cho biết: Đây là vụ sen thứ 2 anh trồng với diện tích 1ha, đến nay đã sắp thu hái. Những cánh sen hồng đang vươn lên khỏi mặt hồ, tươi tốt và nở rộ cả một góc trời hứa hẹn một vụ mùa bội thu và thành công. Tuy còn ít kinh nghiệm nhưng nhờ sự tỉ mẩn, dày công học hỏi chăm sóc nên ruộng sen của anh Bình xanh tốt không kém gì người trồng lâu năm. “Gia đình tôi phát triển nuôi cá ao hồ thì đã gần 10 năm nay nhưng nếu phát triển riêng nuôi cá thì thu nhập không bằng kết hợp trồng sen nuôi cá. Hiệu quả thấy rõ là vụ vừa rồi đã mang lại cho gia đình tôi thêm 50 triệu khi kết hợp trồng sen trong ao cá”, anh Bình nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Phụng - Chủ tịch Hội nông dân xã Triệu Trung cho biết: “Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Triệu Phong theo hướng bền vững và không ngừng nâng cao thu nhập cho người nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân xã Triệu Trung đã hỗ trợ và khuyến khích các hộ nông dân tham gia phát triển kinh tế, cải tạo các ao, đầm kém hiệu quả, chuyển sang trồng sen kết hợp nuôi cá. Hiện nay, đầu ra của cây sen tương đối ổn định”.

Theo Thạc sỹ Trần Thị Thúy - Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong cho biết, sen là loại cây rất dễ trồng, phù hợp với chất đất của các vùng đất thấp trũng trên địa bàn huyện và không đòi hỏi kỹ thuật cao, tốn ít công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí đầu tiên cho lần xuống giống, sau đó chăm sóc, bón phân và cho thu hoạch. Sen được trồng 1 vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2, sau 4 - 6 tháng có thể cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng. Nhờ có cây sen mà hiện nay hầu hết các diện tích ao, đầm ở những vùng thấp trũng trên địa bàn huyện Triệu Phong đã được khai thác đưa vào sản xuất, không còn bỏ hoang như trước, góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ổn định cho nhiều hộ nông dân. Đây có thể xem là hiệu quả bước đầu của việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện Triệu Phong.

Còn tại xã Triệu Sơn, cây sen đã bén rẽ bám đất ở đây hơn 5 năm. Hiện nay, diện tích đất trồng sen trên địa bàn xã đã phát triển trên 35 ha, góp phần hạn chế các diện tích đất thấp trũng bị bỏ hoang hóa, đồng thời giúp nông dân có điều kiện sản suất, tăng thêm nguồn thu nhập. Gia đình chị Đinh Thị Hương Giang, thôn An Lưu, xã Triệu Sơn có 2,5 ha diện tích trồng sen. Tuy mới canh tác vài năm gần đây nhưng kết quả đạt được rất khả quan. Chị Giang cho biết, trồng sen chỉ mất 6 tháng kể từ khi đưa vào trồng, nếu ta chăm sóc tốt sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Hiện nay, sản phẩm hạt sen đang được thị trường ưa chuộng nên việc tìm đầu ra cho loại sản phẩm nông sản này là không khó. Mỗi cân hạt sen vỏ vừa thu hoạch được thương lái trên địa bàn thu mua với giá dao động từ 30.000 - 50.000 đồng, hạt sen đã tách lụa và tim sen giá từ 90.000-120.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí cho lãi ròng khoảng 70 triệu đồng/ha.

Chị Đinh Thị Hương Giang, thôn An Lưu, xã Triệu Sơn (mặc áo đen) đi kiểm tra ruộng sen của gia đình

Mô hình trồng sen lấy hạt là mô hình có ý nghĩa, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, cải tạo đồng ruộng, chống hoang hóa diện tích, góp phần cải tạo môi trường. Đây là hướng sản xuất cho người dân vùng đất thấp trũng huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Phan Việt Toàn

TT Khuyến nông Quảng Trị