Mẻ cá bè vàng kỷ lục mà anh Tuấn đánh bắt được

 

Trao đổi với chúng tôi ngay khi tàu vừa cập bến, anh Tuấn cho biết: Tối 10/3 anh cho tàu ra khơi nhằm thẳng hướng ngư trường đảo Cồn Cỏ. Đến khoảng 20h tối 11/3, khi tàu cách đảo Cồn Cỏ khoảng 7 hải lý về phía Bắc, qua máy dò ngang anh phát hiện 1 đàn cá tương đối lớn cách tàu khoảng 170 - 200 m. Ban đầu anh chỉ đoán đây là đàn cá nục suôn hoặc cá duội (cá cơm) vì đây là thời điểm 2 đối tượng này thường xuất hiện. Quan sát kỹ qua máy dò ngang cùng với kinh nghiệm của mình anh nắm được hướng đi của đàn cá và quyết định cho thả lưới vây lại. Sau khi kéo lưới anh “sướng rân” hết cả người khi trong lưới không phải là cá nục hay cá duội mà là cá bè vàng có giá trị cao hơn. Vì đàn cá quá lớn nên để kịp đưa cá vào bờ anh Tuấn phải kêu thêm 4 tàu cá trong đó có 1 tàu hậu cần tải trọng hơn 40 tấn từ bờ ra cùng với 5 tàu bạn đang khai thác ở gần đó hỗ trợ trung chuyển cá về bờ. “Ban đầu qua màn hình của máy dò ngang tôi dự đoán đàn cá này chỉ khoảng 50 – 60 tấn nhưng khi thu lưới lại nhìn đàn cá nổi lên tôi không khỏi choáng váng. Từ tối 11/3 đến hơn 10h sáng 13/3 chúng tôi mới đánh bắt hết số cá thu được trong lưới lên tàu”, anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn: Nhờ chiếc máy dò ngang mà anh tìm được đàn cá, biết được hướng di chuyển, tốc độ di chuyển của chúng. Nhờ vậy mà với dàn lưới vây gần 400 sải anh đã vây được toàn bộ đàn cá. Tổng số cá thu được từ mẻ lưới của anh Tuấn là hơn 150 tấn và được thương lái thu mua với 35 – 50 ngàn đồng/kg tùy kích cỡ. Với giá này sau 3 ngày đi biển tàu anh Tuấn thu được hơn 5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó giám đốc Trung tâm KN tỉnh cho biết: Với tiêu chí cơ giới hoá nghề cá, ứng dụng thiết bị hiện đại vào khai thác thủy sản nhằm đẩy mạnh vươn khơi xa góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giảm khai thác ven bờ. Năm 2013, trong khuôn khổ dự án "Xây dựng mô hình hiện đại hóa đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ" của Trung tâm KN Quốc gia, Trung tâm KN tỉnh đã triển khai mô hình Ứng dụng máy dò ngang Sonar trên tàu cá QT 90929TS của của anh Tuấn. Theo đó tàu cá của anh Tuấn được lắp đặt máy dò ngang Sonar hiệu JMC-SLC 1000 sản xuất tại Nhật Bản trị giá 284 triệu đồng, trong đó Trung tâm KN hỗ trợ 50%.

Theo ông Tùng: Từ trước đến nay đa số ngư dân sử dụng máy đo sâu hay còn gọi là máy dò đứng để dò cá nên hiệu quả khai thác chưa cao do mức độ phát hiện đàn cá hẹp, chỉ phát hiện được đàn cá ngay dưới đáy tàu. Còn máy dò ngang Sonar là thiết bị có chức năng phát hiện, xác định vị trí và có thể nhận dạng, phân biệt các đối tượng trong nước. Máy hoạt động theo nguyên lý phát sóng siêu âm xuống biển để phát hiện đàn cá xung quanh tàu với cự li bán kính lên tới 1.000m. Qua kết hợp với các phương pháp dò đứng, dò ngang, quét dọc, giúp cho thuyền trưởng có thể vừa quan sát từng vị trí của đàn cá, mặt cắt không gian nước quanh tàu, ước lượng mức độ tập trung của đàn cá… Ngoài ra, máy còn có chức năng bám đàn, giúp thuyền trưởng theo dõi hướng đi và tốc độ di chuyển của đàn cá, qua đó chọn thời điểm thả lưới.

“Nhờ có máy dò ngang mà khi gặp đàn cá bè vàng khổng lồ này tôi đã ước lượng được mức độ tập trung của đàn cá, xác định được hướng di chuyển để điều khiển tàu theo đón đúng hướng cá để thả lưới”, anh Tuấn khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi khi niềm vui vẫn hiện hữu trên khuôn mặt rám nắng anh Tuấn cho biết: Để đánh bắt hiệu quả, vươn tới những vùng biển xa tôi dành dụm, tích góp để nâng dần công suất tàu từ 90 CV lên 130 CV, rồi 340 CV. Năm 2016 vừa qua được sự hỗ trợ của Nghị định 67 tôi đã nâng cấp tàu lên đạt công suất 405 CV. Sau chuyến biển này tôi sẽ tiếp tục nâng cấp công suất máy lên 700 CV, sắm thêm ngư lưới cụ để tiếp tục đánh bắt hiệu quả hơn. “Tôi vừa mua thêm 1 con tàu như thế này nữa ở Bình Định. Cuối tháng này sẽ lấy về để cùng hỗ trợ nhau khi đánh bắt trên biển”, anh Tuấn tiết lộ.

Anh Tuấn nhận hoa chúc mừng của đồng chí Chủ tịch tỉnh

Có thể nói, việc các tàu cá trang bị máy dò ngang sonar cũng giống như trang bị thêm cho mình “con mắt” quan sát dưới nước, vừa góp phần nâng cao sản lượng đánh bắt, vừa phòng tránh được những rủi ro nơi đáy biển. Nhưng hiện nay, tỷ lệ tàu cá có gắn máy dò ngang trên địa bàn tỉnh còn thấp so với số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ. Một trong những lý do mà ngư dân còn ngần ngại là các loại máy dò ngang sonar có giá tương đối cao. Theo một số ngư dân cho biết, họ rất muốn lắp thiết bị dò cá này cho tàu cá của mình nhưng do chi phí lắp đặt thiết bị lên tới hơn 300 triệu đồng/máy/tàu là khá cao, vượt quá khả năng của họ. Vì thế, bên cạnh các mô hình của Trung tâm KN tỉnh, ngư dân rất cần sự hỗ trợ nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ để họ có điều kiện trang bị máy dò ngang sonar trên tàu nói riêng cũng như tiếp cận được với các thiết bị công nghệ hiện đại khác trong khai thác thủy sản xa bờ. Đây là yếu tố quan trọng để ngư dân hiện đại hóa đội tàu, vươn khơi bám biển đánh bắt có hiệu quả, góp phần ổn định cuộc sống và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Vĩnh Tùng – Thục Quyên