Đến nay, diện tích chanh leo toàn tỉnh trên 80 ha, tập trung tại các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Triệu Phong và Vĩnh Linh. Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đã cam kết thu mua 100% sản phẩm quả chanh leo đảm bảo chất lượng do nông dân Quảng Trị trồng và chăm sóc trên diện tích đã thống nhất với Sở Nông nghiệp và PTNT. Với năng suất chanh leo bình quân đạt từ 15 đến 20 tấn/ha, ước tính tổng thu nhập 300 - 400 triệu/ha, sau khi trừ chi phí người dân có lãi ròng từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm. Với kết quả đạt được có thể nhận thấy cây chanh leo là một loại cây trồng cho thu nhập cao, giúp người nông dân cải thiện đời sống và dần vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Cán bộ kỹ thuât hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh trên cây chanh leo

 

Được sự hỗ trợ của của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, ông Lê Quang Vãng ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đã chuyển đổi 0,6 ha đất trồng cà phê già cỗi, năng suất thấp, hay bị sâu bệnh sang trồng chanh leo. Qua quá trình trồng, được sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, vườn chanh leo của gia đình ông cho năng suất cao, sản lượng thu được 12 tấn/năm. Ông Vãng cho biết, để cây chanh leo cho hiệu quả thì người trồng phải có chế độ chăm sóc phù hợp, nhất là việc bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm.

“Với 12 tấn chanh leo tôi thu từ vườn thì có khoảng 2,4 tấn loại A, 3,6 tấn loại B, 6 tấn loại C. Giá chanh leo loại A (vip) đạt 32.500 đồng/kg, loại B có giá 12.500 đồng/kg, loại C là 4.000 đồng/kg. Ước tính tổng thu nhập của gia đình tôi trong năm vừa rồi khoảng 150 triệu, sau khi trừ chi phí cho tôi lãi ròng 75 triệu đồng”, ông Vãng vui vẻ nói.

Ông Vãng chăm sóc vườn chanh leo

 

Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Hồng Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Trong thời gian đến Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Công ty Nafoods Tây Bắc khảo sát, mở rộng diện tích trồng chanh leo ra thêm một số địa phương, hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ nhà máy chế biến. Đồng thời, nghiên cứu để sản xuất chanh leo theo hướng hữu cơ, an toàn, đạt các chứng nhận về thực hành nông nghiệp tốt như: VietGAP, GlobalGAP. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chanh leo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tăng thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị