Hội thảo là cơ hội tiếp cận, tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia chuyên ngành về kinh tế, quản lý, kỹ thuật, công nghệ trong và ngoài tỉnh làm cơ sở khoa học, thực tiễn để tham mưu đề xuất với UBND tỉnh và sở ngành chuyên môn việc ứng dụng và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

​Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lê Quang Thích cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 2 chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ những vấn đề chủ yếu như: Vai trò của sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ngãi; đặc điểm, khó khăn, thách thức, thuận lợi, thời cơ, tính khả thi, hiệu quả, hợp lý khi phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong điều kiện hiện tại và tương lai; lộ trình và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Quảng Ngãi giai đoạn khởi đầu và lâu dài sau này; những khuyến nghị, khuyến cáo, cảnh báo khi phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Quảng Ngãi,…

TS. Trần Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệp giống, sảm phẩm cây trồng miền Trung cho biết, ưu việt của nền nông nghiệp hữu cơ là các loại vật tư sử dụng cho trồng trọt, chăn nuôi đều xuất phát từ thiên nhiên, lấy của thiên nhiên rồi trả lại cho thiên nhiên nên sản phẩm làm ra rất an toàn cho người và gia súc cũng như môi trường sống. Chất lượng sản phẩm lại có mùi vị ngon hơn, bảo quản dễ dàng và lâu hơn, mẫu mã cũng đẹp mắt hơn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng rộng rãi hiện nay…

Các sản phẩm của các nhóm hộ nông dân huyện Sơn Hà đã được đưa vào phân phối tại các siêu thị BigC

Ông Lê Văn Dương, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Sở NN-PTNT tỉnh đang tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào 02 nhóm sản phẩm chủ lực như: Nhóm sản phẩm thực phẩm: thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm (bao gồm cả các sản phẩm đặc trưng của địa phương như heo kiềng sắt, heo ky, gà H’re); tôm nuôi và các sản phẩm thủy sản đặc sản; lúa và rau đậu các loại; trái cây Nghĩa Hành,… và Nhóm sản phẩm đặc sản gắn với du lịch như: Hành tỏi Lý Sơn, hành tỏi Bình Hải (huyện Bình Sơn); quế Trà Bồng; Nếp ngự Sa Huỳnh, nếp cút Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa); Chè Minh Long,…

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch hàng hóa tại huyện Mộ Đức; tổ chức, hình thành đầu ra cho nông sản đặc thù của huyện miền núi Sơn Hà; nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Quảng Ngãi,…

Ông Phùng Tô Long, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Giảm nghèo khu vực Tây nguyên huyện Sơn Hà cho biết: Được sự hỗ trợ tích cực từ phía Chương trình sinh kế cộng đồng của Tập đoàn Central Việt Nam, ngày 21/01/2018, các sản phẩm đầu tiên của các nhóm hộ nông dân huyện Sơn Hà đã được đưa vào phân phối tại các siêu thị BigC Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn (Bình Định). Các sản phẩm chủ yếu là gà kiến, rau dớn, ớt xiêm rừng, rau ngót rừng, bắp chuối rừng. Các sản phẩm bước đầu đã được khách hàng ưa chuộng như: gà kiến, các loại rau rừng. Theo thống kê của siêu thị, rau rừng Sơn Hà có doanh số bán đứng trong top đầu của các loại rau ở các siêu thị này. Đến thời điểm hiện nay, đã thiết kế xong logo Nông sản Sơn Hà và các nhãn hiệu hàng hóa theo đúng quy chuẩn, tạo thương hiệu riêng cho nông sản Sơn Hà; Ban quản lý dự án GNTN huyện đã gửi hồ sơ đăng ký và đã được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số, mã vạch hàng hóa.

Các mặt hàng nông sản của Sơn Hà có mặt tại các siêu thị lớn khu vực miền Trung là sự quyết tâm, kiên trì chỉ đạo của UBND huyện Sơn Hà, sự nỗ lực rất lớn của Ban Quản lý dự án Giảm nghèo Tây nguyên huyện, Phòng NN-PTNT, Trạm Khuyến nông và các nhóm hộ nông dân, mở ra một hướng đi mới, tiếp cận thị trường, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao giá trị nông sản cho các hộ nông dân. Đến nay, Ban quản lý dự án Giảm nghèo khu vực Tây nguyên huyện Sơn Hà đã kết nối nông sản của địa phương đến 18 siêu thị BigC trong cả nước.

Hải Yến