Hình thành các vùng sản xuất trọng điểm

Phát huy lợi thế phát triển nông nghiệp đặc thù, tiềm năng du lịch nông nghiệp sinh thái và là cửa ngõ tiếp giáp với thị trường rộng lớn Trung Quốc, trong năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã tạo được những bước chuyển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Lào Cai.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Chính phủ; Đề án 01 của Tỉnh ủy về “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và ngành nông nghiệp đang chuyển mạnh từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả, giá trị tăng cao.

Đến nay, tỉnh hình thành các vùng trọng điểm sản xuất hàng hóa được thị trường đánh giá cao, như vùng lúa chất lượng cao với 7.270 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, sử dụng các giống Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, Tám thơm, thơm RVT, Séng cù, J01, BC 15, LH 12...; Vùng sản xuất rau an toàn, rau trái vụ vùng cao duy trì ổn định trên 720 ha, sản lượng đạt trên 10.800 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn với các loại rau trái vụ, rau bản địa vùng cao như súp lơ, su hào, xà lách, cải bắp, cà chua, su su, bò khai, ngót rừng... Ngoài ra còn hình thành các vùng sản xuất hoa trên 280 ha; vùng trồng cây dược liệu trên 1.000 ha; vùng trồng chè tập trung gần 6.000 ha; vùng cây ăn quả ôn đới 2.228 ha. Bên cạnh đó, các vùng trồng cây ăn quả khác cũng được mở rộng, như vùng trồng chuối cấy mô 2.195 ha; vùng trồng dứa 1.200 ha. Giá trị thu nhập bình quân từ 70 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.

Lĩnh vực chăn nuôi được quan tâm đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 9 cơ sở chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao và 452 trang trại; sản lượng thịt hơi năm 2018 đạt 60.000 tấn. Thủy sản tiếp tục tăng trưởng nhanh, sản lượng đạt 7.548 tấn và trên 500 tấn cá hồi, cá tầm. Kinh tế lâm nghiệp chuyển biến mạnh, bình quân mỗi năm trồng mới gần 9.000 ha và phát triển vùng nguyên liệu quế trên 23.500 ha, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2018 đạt 54,6%.

Tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Có thể khẳng định, với việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đã thúc đẩy mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cơ bản các sản phẩm nông lâm nghiệp của Lào Cai không bị dư thừa phải giải cứu. Đến nay, tỉnh thu hút được 44 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, rau, hoa, chè, cây ăn quả... quy mô gần 8.000 ha, liên kết với 12.504 hộ; giá trị tiêu thụ qua liên kết đạt trên 420 tỷ đồng. Có 40 doanh nghiệp, hợp tác xã được xây dựng hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử, với 190 dòng sản phẩm được gắn mã truy xuất nguồn gốc (mã QRcode), tạo uy tín cho sản phẩm nông sản của tỉnh. 37 chuỗi sản phẩm được xác nhận cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; 61 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý (gấp 2,5 lần mức bình quân chung số chuỗi/tỉnh, thành phố của cả nước). Nhiều sản phẩm đặc sản của Lào Cai đã được đưa vào tiêu thụ tại một số siêu thị lớn của Hà Nội.

Như vậy, sau 3 năm triển khai đề án 01, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phát triển ổn định và có bước tăng trưởng cao, bình quân trên 6%/năm và giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt 6.530 tỷ đồng (tăng 1.046 tỷ đồng so với năm 2015). Đặc biệt, giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác năm 2018 đạt 69 triệu đồng, tăng 41,62% (20,28 triệu đồng/ha) so với năm 2015. Kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển đã góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Năm 2018, thu nhập bình quân/năm của người dân nông thôn đạt trên 22 triệu đồng, đây là nền tảng quan trọng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2018, toàn tỉnh có 44/143 xã được công nhận xã nông thôn mới; bình quân đạt 11,76 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Hướng mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai tại tỉnh Lào Cai từ năm 2015. Đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có 1.700 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng cao (gấp từ 2 - 3 lần so với sản xuất thông thường). Trong đó, có thể kể đến doanh thu bình quân từ các mô hình trồng hoa trong nhà lưới đạt 450 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm; đặc biệt có hoa Lily đạt 3 - 3,5 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 600 - 800 triệu đồng/ha/năm; hoa hồng đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt tới 300 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây dược liệu, ước giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt 150 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân trên 40 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có diện tích trồng tam thất cho lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha. Các trang trại sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao có doanh thu từ 420 - 525 triệu đồng/ha/năm.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chuyển dịch nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh: Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh tạo vùng sản xuất hàng hóa; tổ chức sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường, phát triển mạnh hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp, từng bước mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa; gắn sản xuất với dịch vụ du lịch nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất và tổ chức xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, phân phối, giới thiệu, xúc tiến quảng bá nông sản; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trở thành điểm sáng của khu vực Tây Bắc.

 Ninh Anh Vũ

Giám đốc TT Khuyến nông và DVNN Lào Cai