Từ năm 2018, máy bay không người lái (MBKNL) đã được một số doanh nghiệp giới thiệu và đưa vào sử dụng nhằm phục vụ phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại nhiều địa phương. Thiết bị chủ yếu được nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, việc sử dụng MBKNL trên thực địa còn một số hạn chế như tính ổn định và chính xác của thiết bị, sự ảnh hưởng của khí động học đối với các thiết bị đơn hoặc đa cánh quạt, sự tương tác với các yếu tố môi trường (nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió…) vẫn cần được nghiên cứu thêm để thiết kế kỹ thuật tốt hơn. Đặc biệt, các loại thuốc BVTV hiện nay chủ yếu dành cho việc dử dụng các thiết bị phun rải truyền thống với lượng nước pha cao gấp nhiều lần so với lượng nước khi sử dụng bằng MBKNL. Vấn đề giảm lượng thuốc, ảnh hưởng đến môi trường chưa được đánh giá; Chưa có bộ số liệu thử nghiệm chính thức và hướng dẫn sử dụng MBKNL phun thuốc BVTV.

Trước thực trạng đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Quốc phòng đã giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc và đơn vị quản lý Bộ Quốc phòng tiến hành thực hiện nhiệm vụ “Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng máy bay không người lái HLD-18 phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa”.

Được biết, máy bay không người lái HLD-18 là sản phẩm do Việt Nam sản xuất; do đó chúng ta hoàn toàn làm chủ về công nghệ, phần mềm, phần cứng và chế độ bảo hành, đào tạo “phi công” để chuyển giao cho các đơn vị, tổ hợp tác, dịch vụ nông nghiệp… Đặc biệt thiết bị HLD-18 đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như vấn đề cấp phép vùng bay cho thiết bị.

Ngày 18/3/2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả khảo nghiệm việc sử dụng MBKNL HLD-18 phun thuốc BVTV trên cây lúa vụ Đông Xuân tại ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Khảo nghiệm thực hiện từ ngày 3/12/2020 đến ngày 26/2/2021 với quy mô 10 ha.

Các đại biểu tham dự Hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả khảo nghiệm việc sử dụng MBKNL HLD-18 phun thuốc BVTV trên cây lúa vụ Đông Xuân

 

Khảo nghiệm được bố trí theo kiểu ô lớn và ô nhỏ được lặp lại 3 lần. Trong đó công thức ô lớn gồm: Công thức 1 giữ nguyên 100% lượng thuốc BVTV; Công thức 2 giảm 5% lượng thuốc BVTV; Công thức 3 giảm 15% lượng thuốc BVTV. Các công thức ô nhỏ gồm có các công thức giảm lượng nước 95%, 90%, 85% so với khuyến cáo. Công thức đối chứng người dân phun theo phương pháp truyền thống. Tổng số 7 lần phun khác nhau, gồm các loại thuốc BVTV phòng trừ các loại dịch hại ảnh hưởng đến sản xuất lúa (ốc biêu vàng, cỏ dại các loại, muỗi hành, sâu cuốn lá, rầy nâu, đạo ôn, khô đầu lá, lem lép hạt…).

Tại ruộng khảo nghiệm, đại biểu tham dự Hội nghị đã chứng kiến các “phi công” trong Tổ dịch vụ trình diễn kỹ thuật điều khiển MBKNL HLD-18 phun thuốc BVTV đã từng thực hiện trước đó với các tốc độ bay ở các công thức khác nhau.

Trình diễn kỹ thuật điều khiển MBKNL HLD-18 phun thuốc BVTV

Kết quả khảo nghiệm tại Hậu Giang, cho thấy:

- Nếu sử dụng MBKNL HLD-18 phun thuốc BVTV với lượng thuốc giảm 5% (bằng 95% so với đối chứng) thì hiệu lực các loại thuốc không thay đổi. Nếu giảm 15% lượng thuốc BVTV (bằng 85% so với đối chứng) thì hiệu lực phòng trừ giảm. Tuy nhiên, hiệu lực sinh học của các loại thuốc đạt trên 70%, duy nhất thuốc Kasumin 2,5SL chứa hoạt chất Kasugamycin phòng trừ khô đầu lá lúa có hiệu lực dưới 70%.

Như vậy có thể nói việc sử dụng MBKNL HLD-18 giúp giảm 5% - 10% lượng thuốc BVTV, 90-95% lượng nước; tăng năng suất phun thuốc lên nhiều lần, từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Việc sử dụng MBKNL giúp giải phóng lao động phổ thông, giảm độc hại cho nông dân do hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất; Kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng hiệu quả nhờ dập dịch nhanh và tiết kiệm được thời gian quản lý dịch hại; Giảm tổn thất sản lượng lúa từ 1-2%/ha so với phun xịt thuốc thông thường do lúa không bị dẫm đạp.

- Ở giai đoạn phát triển ban đầu của cây lúa, lượng thuốc BVTV phun rải bằng MBKNL HLD-18 ra môi trường không thay đổi so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, ở giai đoạn sau, lượng thuốc BVTV lên cây lúa bằng phương pháp sử dụng MBKNL cao hơn so với với phương pháp truyền thống, có nghĩa là lượng thuốc phun bị thất thoát giảm.

Sử dụng MBKNL HLD-18 phun thuốc
xử lý ốc bươu vàng trước khi gieo sạ
Sử dụng MBKNLHLD-18 phun thuốc
xử lý cỏ dại sau sạ

 

- Về hiệu quả kinh tế của việc sử dụng MBKNL HLD-18 phun thuốc BVTV: Công suất của MBKNL HLD-18 dao động từ 10 - 20 ha/ngày; Giá thực tế phun thuốc BVTV ngoài thị trường từ 180.000 – 250.000 đồng/ha.

Nếu công suất máy đạt 20 ha/ngày và đơn giá từ 180.000 - 250.000 đồng/ha đều mang lại lợi nhuận dương.

Nếu diện tích phun đạt 15 ha/ngày, với đơn giá 180.000 đồng/ha thì lợi nhuận âm, còn với đơn giá từ 200.000 - 250.000 đồng/ha thì lợi nhuận dương.

Với công suất phun 10 ha/ngày: đơn giá 180.000 - 200.000 đồng/ha cho lợi nhuận âm; đơn giá 250.000 đồng/ha mang lại lợi nhuận dương.

Đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao hiệu quả của việc sử dụng MBKNL HLD-18 phun thuốc BVTV cho cây lúa. Nhiều đại biểu quan tâm tìm hiểu những vấn đề như: các loại thuốc BVTV dùng cho MBKNL; vấn đề bảo hiểm và chế độ bảo hành MBKNL; ảnh hưởng của việc giảm lượng nước từ 85 - 95% so với khuyến cáo của nhà sản xuất có đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”, thời gian cách ly… Tất cả câu hỏi của đại biểu tại hội nghị đều được cán bộ kỹ thuật và đại diện các cơ quan quản lý trả lời thỏa đáng.

Cũng tại hội nghị, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trao 6 MBKNL HLD-18 cho Trung tâm Khuyến nông An Giang và Trung tâm Khuyến nông và DVNN Hậu Giang.

TS Lê Quốc Thanh - GĐ TTKNQG trả lời phỏng vấn của cơ quan thông tấn trung ương và địa phương tại hội nghị đầu bờ

 

Đội ngũ cán bộ kỹ thuật điều khiển MBKNL HLD-18 tại hiện trường

 

Giám đốc TTKNQG trao chứng chỉ cho những học viên đầu tiên được đào tạo điều khiển MBKNL HLD-18

 

Giám đốc TTKNQG trao MBKNL cho TTKN An Giang

 

Giám đốc TTKNQG trao MBKNL cho TTKN&DVNN Hậu Giang

 

Doãn Hùng – Đỗ Tuấn

Xem thêm các bài viết về sự kiện trên các đơn vị truyền thông:

- Báo Nông nghiệp Việt Nam

- Báo Dân Việt

- Báo Hậu Giang