Hiệu quả bước đầu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Thực trạng sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm như: ô nhiễm thuốc BVTV, hóa chất không rõ nguồn gốc; chất bảo quản, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ; dư lượng kim loại nặng, vi sinh vật gây hại; đặc biệt ô nhiễm nông sản do dư lượng nitơrat tồn dư trong nông sản luôn vượt quá tiêu chuẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính người sản xuất và người tiêu dùng.

Nhằm chuyển dịch dần từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ, tiến tới một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, vụ mùa 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công ty Quế Lâm Phương Bắc – Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Tân Đức (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên).

Tân Đức là một xã miền núi thuộc phía nam của huyện Phú Bình. Trong những năm qua xã Tân Đức có sự chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chị Nguyễn Thị Vân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, mô hình tập trung và nằm trong khu quy hoạch cánh đồng mẫu lớn của xã Tân Đức, người dân đã nhiều năm sản xuất lúa theo cánh đồng một giống. Tuy nhiên một số nông dân ngại chuyển đổi từ phương thức canh tác nông nghiệp cũ theo thói quen lâu nay sang sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ. Qua các cuộc tuyên truyền đã vận động được 144 hộ nông dân tham gia mô hình với diện tích 15,5 ha trên cánh đồng chung 3 xóm (xóm Ngoài, xóm Viên, xóm Trại Vàng).

Mô hình sản xuất theo phương thức cánh đồng một giống, sử dụng giống lúa lai ba dòng B-TE1 (hạt ngọc) của Công ty Bayer Đức, là giống lúa đã thực hiện nhiều vụ đã khẳng định là phù hợp với đồng đất địa phương; Áp dụng phương pháp cấy một dảnh, cấy mạ non (2-2,5 lá), cấy theo hiệu ứng đường biên (một hàng rộng 40cm, một hàng hẹp 20cm), hoặc cấy ô vuông mắt sàng, mật độ 20-22 khóm/m2; Sử dụng phần chuồng cùng với phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh của Công ty Quế Lâm theo nguyên tắc bón phân cân đối, hợp lý cho cây trồng; Áp dụng phương pháp Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), trong những trường hợp bắt buộc, phải sử dụng thuốc BVTV thì cần lựa chọn những loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc.

Vụ mùa năm nay thời tiết rất khắc nghiệt, mưa kéo dài ngay sau khi cấy, mưa to làm tràn bờ đã rửa trôi một phần lượng phân bón, đồng thời mưa kéo dài mực nước trong ruộng luôn cao làm ảnh hưởng tới quá trình đẻ nhánh, tuy nhiên B-TE1 là giống chịu úng tốt nên cây vẫn sinh trưởng phát triển tốt.

Năng suất của giống B-TE1 trong mô hình đạt 224 kg/sào, tương đương với 62 tạ/ha, không cao hơn so với ngoài mô hình. Tuy nhiên do Công ty Quế Lâm Phương Bắc đã hợp đồng cam kết thu mua 50% sản lượng, với giá 7.800 đồng/kg thóc, cao hơn thị trường 20% nên sau khi trừ chi phí sản xuất giống lúa lai B-TE1 thực hiện theo hướng hữu cơ cho thu lãi là 603.000 đồng/sào (16,7 triệu đồng/ha), cao hơn 200.000 đồng/sào so với cùng giống lúa bán ngoài thị trường.

Bà Tạ Thị Lập là hộ nông dân tham gia mô hình tại xóm Ngoài cho biết, sản xuất theo hướng hữu cơ cây lúa khỏe, ít sâu bệnh hơn ngoài mô hình, giảm sử dụng chất hóa học nên môi trường trong ruộng lúa trong sạch hơn, đã thấy cá, tôm sinh sống trở lại…

Hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Tân Đức

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng đi bền vững

Xã Tân Đức là một trong 03 xã của huyện Phú Bình đang triển khai công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao; đồng thời là xã phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2017.

Ông Dương Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Tân Đức cho biết, sản xuất lúa hữu cơ là giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ và liên kết sản xuất trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn của địa phương. Hiệu quả bước đầu của mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, là cơ sở để các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình và tổ chức sản xuất lúa hữu cơ, mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa mang tính bền vững.

Theo ông Dương Sơn Hà – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là một chương trình lớn của tỉnh Thái Nguyên. Nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh đã ký với Tập Đoàn Quế Lâm thoả thuận hợp tác đầu tư về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2021; dự kiến quy mô thực hiện 500 ha chè, 500 ha rau và 250 ha lúa (sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Phú Bình, gồm các xã: Tân Đức - 50 ha, Úc Kỳ - 100 ha, Xuân Phương - 100 ha). Bước đầu đã thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 15,5 ha vụ mùa năm 2017. Điểm mới của mô hình là sản xuất sạch, an toàn, tạo thương hiệu từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

 Thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với UBND xã Tân Đức Tthành lập được 03 tổ sản xuất thuộc 3 xóm (xóm Ngoài, xóm Viên, xóm Trại Vàng) để tổ chức quản lý sản xuất, tiến tới thành lập Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Tân Đức và các xã Xuân Phương, Úc Kỳ để ký kết hợp đồng tạo chuỗi liên kết sản xuất – T-tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo hữu cơ giữa Công ty Quế Lâm Phương Bắc với các Hợp tác xã (Tổ hợp tác).

Theo kế hoạch năm 2018, xã Tân Đức sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ lên 50 ha trong vùng quy hoạch cánh đồng mẫu lớn của xã, tiến tới sản xuất lúa hữu cơ cũng như mở rộng mô hình sản xuất lúa hữu cơ ra cánh đồng mẫu lớn của các xã Xuân Phương, Úc Kỳ, phấn đấu đến năm 2021 sẽ thành vùng sản xuất lúa hữu cơ tại 3 cánh đồng mẫu lớn tại các xã Tân Đức, Xuân Phương và Úc Kỳ huyện Phú Bình với tổng diện tích 250 ha.

 Tập Đoàn Quế Lâm đã thỏa thuận thống nhất các dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và nhà máy chế biến các nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cũng như dự án đầu tư xây dựng chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; đồng thời thu mua nông sản theo hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo hữu cơ nhằm hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững; đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn cho con người.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên