Đây là hoạt động trong khuôn khổ Lễ vinh danh các làng nghề chè huyện Định Hóa lần thứ nhất, năm 2018. Tham dự hội thảo có lãnh đạo huyện ủy, UBND huyện Định Hóa, các sở, ban, ngành có liên quan và đại diện các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè trên địa bàn huyện…

Toàn cảnh buổi hội thảo

Huyện Định Hóa có diện tích chè đứng thứ 4 trong tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích chè 2.530 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 2.261 ha; năng suất chè trung bình 110 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt từ 24.000-25.000 tấn. Toàn huyện hiện có 19 làng nghề chế biến chè tại 8 xã vùng chè là Trung Lương, Bình Yên, Thanh Định, Điềm Mặc, Phú Đình, Sơn Phú, Bộc Nhiêu và Trung Hội, với tổng diện tích chè của 19 làng nghề là 318 ha. Nằm trong làng nghề có 10 Tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP và 02 Hợp tác xã sản xuất, chế biến chè.

Mặc dù là huyện có diện tích chè lớn, năng suất và sản lượng chè búp tươi cao nhưng chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm chè của huyện chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hình thức liên kết chủ yếu vẫn là nông dân liên kết với thương lái thu gom và bán cho các chợ đầu mối; gần như 100% là sản phẩm chè xanh truyền thống, có rất ít chế biến chuyên sâu…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè Thái Nguyên; Xây dựng, phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nông nghiệp và các làng nghề chè; Giải pháp sử dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc trừ sâu và trừ bệnh…

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Huyện Định Hóa là 1 trong nhóm 4 địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh, có nhiều lợi thế về sản xuất chè. Mặt khác Định Hóa còn có lợi thế để gắn sản xuất chè với văn hóa, du lịch, lịch sử cách mạng ATK Định Hóa. Trong những năm tới, huyện Định Hóa cần chú trọng đầu tư cho phát triển cây chè và các sản phẩm chè xanh theo hướng nâng cao chất lượng. Huyện cũng cần có chiến lược phát triển cây chè theo hướng riêng của địa phương mình, phải chuyển dịch tích cực từ khâu sản xuất nguyên liệu chè búp tươi đến khâu chế biến, thành phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để đuổi kịp các địa phương sản xuất chè mạnh trong tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ để đẩy mạnh đầu tư thâm canh sản xuất chè an toàn, chất lượng. Cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư cho thay thế giống chất lượng, tưới chủ động, áp dụng quy trình thâm canh, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất, nhất là hạ tầng tưới chủ động cho chè; sản xuất theo quy trình VietGAP, mạnh dạn phát triển sản xuất chè hữu cơ, bắt đầu bằng việc xây dựng mô hình và nhân rộng mô hình. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, khuyến nông, kỹ thuật, thành viên tổ hợp tác, HTX, nông hộ sản xuất, kinh doanh chè; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chè VietGAP…

Hội thi hái chè là một hoạt động trong khuôn khổ Lễ vinh danh các làng nghề chè huyện Định Hóa

Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Định Hóa được tổ chức nhằm tôn vinh người trồng, chế biến, sản xuất chè; thúc đẩy hoạt động phát triển làng nghề, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời để quảng bá thương hiệu trà Định Hóa đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ Lễ Vinh danh đã diễn ra các hoạt động nổi bật như: Hội thảo nâng cao lợi thế cạnh tranh, hướng đến chuẩn chất lượng hàng hóa cho sản phẩm chè Định Hóa; Vinh danh các làng nghề chè tiêu biểu; cùng các cuộc thi hưởng ứng như Hội thi Nương chè đẹp, khu chế biến chè đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội thi hái chè; thi sao chè. Ngoài ra, tại buổi lễ vinh danh có các gian hàng trưng bày sản phẩm chè của các làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến chè trên địa bàn huyện; trình diễn kỹ thuật pha trà; giao lưu các làn điệu dân ca và nghi lễ dân gian của đồng bào các dân tộc huyện Định Hóa.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên