Giống chè Trung du được đưa về trồng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên từ năm 1922. Hiện nay, diện tích chè Trung du chiếm khoảng 50% tổng diện tích chè của thành phố, giống chè này đang giảm dần về diện tích và chất lượng.

Giống chè Trung du có thân cây khỏe, dễ chăm sóc, có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu được rét, chịu nóng tốt; tuổi cây cao... Sản phẩm trà có vị thơm, ngọt hậu, được nhiều người ưa chuộng. Bà Vũ Thị Gấm, xóm Dộc Lầy, xã Phúc Xuân cho biết, trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, nhiều nương chè bị cháy táp lá rất mạnh, nhưng đối với nương chè giống Trung du thì tỷ lệ bị cháy lá thấp hơn rất nhiều so với các giống chè khác. Và đặc biệt vào vụ đông, khi những giống chè khác đang co ro, ẩn mình để chống chịu cái rét thì giống chè Trung du này vẫn vươn mầm, bật búp khỏe mạnh,... Như vậy, chứng tỏ giống chè Trung du trồng bằng hạt chịu nóng, chịu hạn và chịu rét rất tốt.

Tuy nhiên chè Trung du cho năng suất thấp, sản lượng không ổn định, do nhiều nguyên nhân: Người dân chăm sóc và canh tác thiên về khai thác, chưa chú trọng đầu tư thâm canh; Vườn chè bị mất khoảng do tuổi chè cao, sâu bệnh nhiều; Chè chưa được đốn, hái hợp lý và chăm sóc đúng kỹ thuật...

Trong khi đó, những năm gần đây, các dự án, mô hình của thành phố, của tỉnh triển khai các giống chè mới cho năng suất cao vào sản xuất; nên nhiều hộ dân đã chặt bỏ giống chè Trung du để trồng các giống chè mới.

Trước thực trạng đó, Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên đã xây dựng và triển khai Dự án Khoa học “Xây dựng mô hình cải tạo nương chè giống Trung du theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, bền vững tại vùng chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên”. Dự án được thực hiện từ tháng 2-2015 đến tháng 6-2017 tại 23 hộ dân các xã Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu. Đây là những hộ có vườn chè giống Trung du trồng bằng hạt (đã trồng được từ 25-50 năm); với tổng quy mô 6 ha.

Dự án nhằm xây dựng thành công mô hình cải tạo chè Trung du năng suất thấp thành vườn chè Trung du cho thu nhập cao, từ đó nhân mô hình ra diện rộng. Biện pháp kỹ thuật chính trong chăm sóc cây chè Trung du đã bị thoái hóa là sử dụng các biện pháp đốn hái chè phù hợp với vườn cải tạo, hướng dẫn trồng cây cải tạo đất xung quanh vườn chè, trồng dặm giúp vườn chè đảm bảo mật độ không bị mất khoảng và sử dụng các loại phân bón phù hợp với việc cải tạo vườn chè theo hướng tăng năng suất và sản lượng như bón thêm các loại phân vi lượng, bón đủ lượng và đúng cách phân đạm, lân, kaly, bổ sung các loại phân bón qua lá...

Mô hình cải tạo nương chè giống Trung du tại thành phố Thái Nguyên

Gia đình ông Lê Quang Nghìn, là hộ sản xuất chè giỏi tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Gia đình ông trồng hơn 8.500 m2 chè, chủ yếu  giống chè Trung du đã trồng trên 50 năm tuổi. Nương chè đã quá già cỗi, đang ở cuối chu kỳ khai thác; trước đây mỗi năm thu hoạch chỉ đạt tầm 90-95 kg chè khô/sào. Gia đình ông vẫn quyết giữ các nương chè giống Trung du này vì chất lượng tuyệt vời của nó. Theo ông Nghìn, bao năm qua giống chè Trung du Thái Nguyên đã làm nên thương hiệu chè cắm tăm với hương vị đậm đà, màu nước vàng sánh, ai đã uống quen thì không bao giờ muốn thay đổi.

Từ khi tham gia dự án, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn gia đình ông đa biết chăm sóc, sử dụng phân bón một chính xác, hợp lý. Ông Lê Quang Nghìn cho biết, khi chăm sóc hợp lý, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao hơn. Sau khi cây chè được cải tạo, năng suất mỗi năm đạt 115-117 kg chè khô/sào. Hiện nay, sản phẩm trà đặc sản giống Trung du gia đình ông đang bán với giá trung bình từ 300.000 - 400.000 đồng/kg, trà tôm nõn bán giá 500.000 - 600.000 đồng/kg, được giá hơn so với các giống chè khác.

Thực tế tại mô hình diện tích chè cải tạo do được áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như đốn, hái hợp lý, bón phân bằng phương pháp rạch hàng giữa các luống chè hoặc cuốc hố sâu từ 6-8 cm, trộn đều các loại phân để bón, sau đó lấp kín đất nên cây chè sử dụng phân một cách tối ưu hơn, hạn chế được tình trạng bốc hơi, rửa trôi của phân... Kết quả, nương chè cải tạo có mật độ búp dày hơn, khối lượng búp lớn hơn nên năng suất đạt được cao hơn hẳn so với nương chè không được cải tạo. Diện tích chè Trung du được thâm canh cải tạo cho năng suất thực thu mỗi năm trung bình đạt 595 kg búp tươi/sào (119 kg chè búp khô), tương đương với 16,5 tấn búp tươi/ha/năm. Trong khi đó nương chè không được cải tạo chỉ đạt 476 kg búp tươi/sào, thấp hơn so với diện tích chè được cải tạo 119 kg búp tươi/sào.

Ngoài ra, chè ở nương chè cải tạo, về ngoại hình, màu nước pha, mùi hương và vị đều tốt hơn rất nhiều so với nương chè chưa cải tạo, chè đạt tiêu chuẩn xếp loại tốt. Nương chè chưa cải tạo, chè thành phẩm chỉ đạt ở mức độ khá.

Về hiệu quả kinh tế của mô hình thâm canh cải tạo cao hơn hẳn so với diện tích đại trà. Sau khi trừ khi phí, mỗi ha chè Trung du cải tạo thu lãi gần 700 triệu đồng, còn chè Trung du sản xuất đại trà thu lãi gần 500 triệu đồng. Như vậy, mô hình cải tạo lãi chênh hơn so với sản xuất đại trà hơn 200 triệu đồng/ha.

Như vậy áp dụng khoa học kỹ thuật cải tạo nương chè Trung du năng suất thấp cho thấy, 01 ha chè Trung du sau khi được đầu tư cải tạo năng suất chè tăng lên từ 20 - 25%, giá trị (giá bán) chè tăng 10-20%. Từ đó tổng giá trị thu được cao hơn nhiều so với nương chè không được đầu tư cải tạo. Kết quả của dự án đã góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất chè, đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thái Nguyên là một trong những vùng chè trọng điểm của cả nước. Hiện nay tỉnh Thái Nguyên có trên 21.000 ha chè, trong đó diện tích chè giống mới chiếm trên 60% tổng diện tích. Tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến năm 2020 diện tích chè của tỉnh đạt 23.000 ha; chuyển đổi, trồng mới chè giống mới đạt trên 80% tổng diện tích. Bởi vậy, với diện tích chè giống Trung du còn lại cần giữ gìn, bảo tồn đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người trồng chè áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật cải tạo theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tại các địa phương trong tỉnh là phù hợp Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020./.

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên