Thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã xây dựng mô hình tại các xóm Tân Tiến, Tân Lập, Liên Cơ, xóm 4, xóm 7, xóm 9 và xóm 12, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ. Quy mô của mô hình là 50 ha, 150 hộ nông dân tham gia.

Mục tiêu của dự án là xây dựng liên kết sản xuất, chế biến chè, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm làm nguyên liệu cho chế biến. Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã ký Hợp đồng liên kết xây dựng mô hình với Hợp tác xã chè Thịnh An, xóm 9, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ.

Các hộ tham gia mô hình có chè sản xuất trong vùng quy hoạch một phần là xã viên của Hợp tác xã Thịnh An. Do đó, hợp tác xã đã cùng với Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn, tư vấn cho bà con xã viên trong mô hình về kỹ thuật sản xuất thâm canh chè an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng nguyên liệu chế biến từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời Hợp tác xã cũng đã đứng ra kết nối tiêu thụ chè của xã viên với các công ty, doanh nghiệp thu mua chế biến chè bằng các hợp đồng thỏa thuận; giám sát các khâu sản xuất từ chăm só,c bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hái nguyên liệu… đảm bảo cho nguyên liệu vệ sinh, an toàn.

Được sự hỗ trợ của dự án, UBND thị trấn Sông Cầu thành lập tổ dịch vụ thuốc BVTV (thành viên Ban quản trị HTX Thịnh An) trên cơ sở giám sát, theo dõi mô hình để kịp thời tư vấn, tuyên truyền cho các xã trong việc quản lý và phòng trừ sâu bệnh hại chè, theo đó ưu tiên sử dụng thuốc sinh học và tuân thủ thời gian cách ly.

Tính đến cuối năm 2018, tại tỉnh Thái Nguyên dự án đã tổ chức 03 lớp tập huấn cho 150 lượt học viên là các hộ nông dân tham gia mô hình và 03 lớp cho 120 người sản xuất chè địa phương tham gia với nội dung kỹ thuật chăm sóc thâm canh chè năng suất cao và phát triển theo hướng bền vững, sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn  và hướng dẫn người dân ghi chép sổ nhật ký sản xuất… Trung tâm Khuyến nông cũng lồng ghép mở được 01 lớp dạy nghề chế biến chè xanh, chè đen vào năm 2017 cho 30 học viên là nông dân làm chè tại địa phương. Năm 2018 đã hỗ trợ Hợp tác xã Thịnh An 10.000 tem điện tử để xác định, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè.

Mô hình trồng chè an toàn tại thị trấn Sông Cầu

Các hộ nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật chăm sóc, thâm canh, phân bón cũng như quản lý tốt sâu, bệnh hại theo quy trình sản xuất chè an toàn. Đồng thời, được hỗ trợ phân bón cho chè đảm bảo đủ số lượng, cân đối về dinh dưỡng, bón đúng cách (bón vùi phân) và đúng thời điểm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ vi sinh nên cây chè sinh trưởng phát triển tốt, búp ra đều hơn nhiều so với diện tích ngoài mô hình; thời điểm mùa thu - đông diện tích chè của mô hình vẫn có sức sinh trưởng mạnh, vườn chè xanh tốt và ra búp. Cá hộ tham gia mô hình cùng bón phân cân đối dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, chống chịu bệnh hại của cây chè. Mô hình được cán bộ khuyến nông cùng tổ dịch vụ thuốc BVTV thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của sâu, bệnh; tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc BVTV nên sâu bệnh hại giảm, số lần phun thuốc cũng giảm từ 1 – 2 lần/lứa hái và đảm bảo thời gian cách ly an toàn đặc biệt là quá trình tưới nước cho chè trong lúc khô hạn, vụ đông và hạn chế tối đa việc sử dụng phân đạm đơn bón mất cân đối và nhóm thuốc BVTV hóa học độc hại để phun cho chè,... Đây là những yếu tố quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng chè và sự an toàn cho người sản xuất, tiêu dùng.

Với việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, mô hình sản xuất chè an toàn năm 2017 tại thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ cho năng suất đạt 10 tấn/ha. Năm 2018 năng suất đạt 11,2 tấn/ha/năm, tăng 30,2% so với trước khi thực hiện mô hình và tăng 10-15% so với mục tiêu của dự án đến năm 2019.

Hợp tác xã chè Thịnh An đã liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân với hình thức thu mua cả chè tươi và chè khô, ký mua bán thỏa thuận theo giá thị trường tại thời điểm và giá mua cao hơn giá thị trường khoảng 10-15%. Với giá bán 25.000 đồng/kg chè búp tươi, mô hình mang lại thu nhập cho người nông dân mỗi ha hơn 250 triệu đồng, tăng 31,6% so với ngoài mô hình; tăng 74% so với trước khi thực hiện mô hình năm 2017. Hiện nay hầu hết các hộ đã chuyển sang chế biến chè khô nên tổng thu nhập của 1 ha trung bình đạt 336 triệu đồng, tăng 35% so với bán chè tươi.

Bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX chia sẻ, hiện nay hợp tác xã đã kết nối giúp các hộ tiêu thụ được khoảng trên 70% sản lượng chè trong mô hình với giá ổn định. Số còn lại các hộ chủ động tiêu thụ thông qua khách hàng riêng. Trong 2 năm thực hiện mô hình liên kết Hợp tác xã đã chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp,… để tiêu thụ sản phẩm. Đã xây dựng được gần 30 gian hàng trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm chè an toàn tại các tỉnh như: Hà Nội, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Gò Vấp, Bình Dương,..) và tiếp tục hoàn thiện, tìm kiếm thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Tại Hội nghị tổng kết 02 năm triển khai dự án, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao kết quả đạt được của mô hình. Theo ông Hoàng Văn Dũng, sản xuất chè an toàn là sống còn của chè Thái Nguyên. Sản xuất an toàn nhưng phải chứng nhận an toàn, gắn vào bao bì nhãn mác nhằm xúc tiến thương mại, truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm; hạn chế tối đa việc bán nguyên liệu chè búp thô, sơ chế. Mô hình đã hình thành mối liên kết nhưng phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để liên kết ngày càng chặt chẽ; phải có quy chế để liên kết, trên tinh thần HTX và người làm chè an toàn cùng có lợi.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và PTNT khẳng định, trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống; hỗ trợ sản xuất chè an toàn, sản xuất chè hữu cơ và chứng nhận sản phẩm chè; hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thành lập HTX; hỗ trợ cơ giới hóa trong chế biến, đóng gói và tưới chè; đặc biệt quan tâm các giải pháp tưới nước cho chè…

Dương Trung Kiên

Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên