Cho nên dưới sự hỗ trợ, vận động của Khuyến nông thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc áp dụng khẩu phần ăn hợp lý để giảm chi phí đầu vào, các hộ nuôi bò sữa tại thành phố đã tăng cường sử dụng thiết bị cơ giới hóa trong chăn nuôi theo “Chương trình đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025” của Ủy ban nhân dân TP, nhằm tạo sự gia tăng đột biến về năng suất lao động, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Máy vắt sữa bò bằng inox

 

Theo đó, đã có nhiều hộ dân qua thời gian sử dụng đều ghi nhận những ưu điểm của việc ứng dụng CGH trong nuôi bò sữa, giúp nông dân ngày càng chuyên nghiệp hóa trong chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả, đáp ứng theo nền chăn nuôi đô thị khan hiếm lao động trong sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.  

Bà Trần Thị Lan (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) - một trong những hộ có trang trại nuôi bò sữa lớn cho biết, sau khi sử dụng máy vắt sữa, hộ của bà đã giảm nhiều chi phí lao động, giảm tỷ lệ bò bị viêm vú (nhất là viêm vú tiềm ẩn), hạn chế nhiễm vi sinh trong quá trình vắt sữa và hạn chế khả năng lây nhiễm vi sinh từ môi trường vào sản phẩm sữa, giúp bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi và người tiêu dùng qua việc khai thác, sử dụng nguồn sữa trong môi trường chăn nuôi hợp vệ sinh, đảm bảo thời gian giao sữa đúng quy định,…;

Ông Trần Văn Mười  (nhà 4/13, ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) - hộ đã sử dụng hệ thống làm mát chuồng trại cho đàn bò chia sẻ, sau khi sử dụng hệ thống làm mát, giúp nhiệt độ của chuồng nuôi giảm từ 30C - 50C so với nhiệt độ bên ngoài, giảm stress nhiệt cho bò, hạn chế khí thải, đảm bảo sức khỏe đàn bò kể cả khi nhiệt độ môi trường tăng cao, góp phần giảm chi phí thuốc thú y, tăng sản lượng và chất lượng sữa do bò không bị stress nhiệt;

Bà Võ Thị Dân (ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi) cho biết, sau khi sử dụng máy cắt cỏ cầm tay do Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, giúp bà thu hoạch cỏ nhanh hơn gấp 10 lần so với lúc cắt cỏ bằng tay, rút ngắn thời gian thu hoạch cỏ từ 2 giờ xuống 0,4 giờ, giảm nhiều chi phí sản xuất, tạo điều kiện tốt để nuôi bò được thuận lợi hơn…

Ngoài những thiết bị trên, đa phần những hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn Tp.HCM đều sử dụng bình nhôm để chứa sữa. Đây cũng là một trong những thiết bị CGH có ích lớn trong việc bảo quản sữa bò, thuận tiện cho việc vận chuyển, đáp ứng tốt yêu cầu bảo quản của nhà thu mua, đảm bảo an toàn vệ sinh cho sữa bò,…

Qua chia sẻ của nhiều hộ dân cho thấy áp dụng CGH trong nông nghiệp đặc biệt là trong chăn nuôi bò sữa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, nhất là trong giai đoạn hiện nay giá sữa bò trên thị trường đang xuống dốc và bấp bênh,… Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng CGH trong sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010  - 2020.

Minh Hiếu