Đa số người dân trong huyện là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 75%) và thu nhập chủ yếu từ cây trồng ngắn ngày, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ của người dân ở đây còn hạn chế, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu, nên năng suất cây trồng và vật nuôi còn thấp. Bên cạnh đó, hàng năm vào vụ hè thu thường xuyên xảy ra hạn hán làm ảnh hưởng tới năng suất lúa nước nên nhiều người dân thường để đất trống, không canh tác vào vụ này dẫn đến lãng phí về đất đai, quá trình khai thác và sử dụng đất kém hiệu quả.

Chính vì vậy, vụ hè thu 2017, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế phối hợp với Trạm Khuyến nông lâm ngư huyện A Lưới và UBND xã Hồng Quảng thực hiện mô hình trồng ngô lai trên đất lúa với quy mô 5 ha tại thôn Tầm Mu. Mô hình nhằm hạn chế tối đa diện tích  khô hạn của vụ hè thu bị bỏ hoang (không sản xuất), khai thác hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất  ruộng. Ngoài ra, mô hình còn giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, hiệu quả trên vùng đất khô hạn vụ hè thu bị bỏ hoang hiện nay và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện A Lưới.

Mô hình được đưa vào gieo trồng từ giữa tháng 6. Sau khi thu hoạch vụ lúa, bà con đã tích cực làm đất, gieo trồng để đảm báo đúng thời vụ. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, bà con còn được tập huấn trước và trong quá trình thực hiện về kỹ thuật làm đất, gieo hạt, bón phân chăm sóc. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, chỉ đạo và thực tế người dân thực hiện tương đối tốt quy trình kỹ thuật và có ý thức chấp hành tốt các yêu cầu đề ra của mô hình.

Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, giống ngô lai LVN10 sử dụng trong mô hình có thời gian sinh trưởng trong vụ hè thu 2017 là 120 ngày, có chiều cao cây trung bình là 120 cm, phù hợp với điều kiện sản xuất  của địa phương.

Năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, thu nhập hơn 16.000.000 đồng/ha, tăng 21%, lợi nhuận 10.050.000 đồng/ha, tăng hơn 84% so với trồng lúa  

Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại thì mô hình ngô lai trên đất lúa tại xã Hồng Quảng còn đạt được hiệu quả về mặt xã hội, đó chính là việc tận dụng diện tích đất bị bỏ hoang và giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trong vụ hè thu để mang lại thu nhập cho chính họ.

Tại hội nghị tổng kết, theo đánh giá của toàn thể đại biểu và bà con nông dân, mô hình trồng ngô lai trên đất ruộng thiếu nước vụ hè thu đạt kết quả và hiệu quả rõ rệt, được đưa vào triển khai là khá phù hợp với điều kiện của địa phương. Thông qua những kết quả đạt được, các vị đại biểu, lãnh đạo địa phương khuyến cáo các hộ gia đình tiếp tục thực hiện mô hình này trên cơ sở phát huy những việc đã làm được, khắc phục những tồn tại để những vụ tiếp theo đạt được hiệu quả cao hơn. /.

Nguyễn Bình

Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế