Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có 1.215 trang trại, 75 Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 22 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Các trang trại được thành lập mới dừng lại ở khâu sản xuất, ít có sự liên kết để bao tiêu sản phẩm ổn định.

Tính đến nay, trên địa bàn có 35 công ty, doanh nghiệp, HTX và nhóm hộ tham gia liên kết sản xuất, trong đó có 34 doanh nghiệp, công ty, HTX, nhóm hộ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau quả, với 11.302 ha, và 7.150 hộ tham gia; 01 liên kết trong chăn nuôi, chủ yếu là các hộ dân có vốn đầu tư xây dựng trang trại để liên kết nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.

Về liên kết chuỗi cà phê

Theo số liệu thống kê năm 2017, tỉnh Đăk Nông có 127.452 ha trồng cà phê, diện tích cà phê kinh doanh là 112.680 ha, sản lượng đạt 267.499 tấn, năng suất bình quân là 23,76 tạ/ha. Trong đó, diện tích liên kết 10.755 ha (chiếm 8,4% tổng diện tích của toàn tỉnh), sản lượng 33.598 tấn (chiếm 12,6 % tổng sản lượng của toàn tỉnh), chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp thu mua lớn để xuất khẩu như Doanh nghiệp tư nhân Loan Hiệp, Công ty TNHH Trang Thịnh Vinh, New man group.

Bên cạnh đó, một số HTX được thành lập để hỗ trợ, phát triển sản xuất như HTX Công Bằng Thuận An, HTX Nam Thịnh, Hợp tác xã Hào Quang. Các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị để hỗ trợ, thu mua chủ yếu cà phê sản xuất bền vững theo chứng nhận 4C; giá thu mua chênh lệch so với giá của sản xuất đại trà từ 100- 500 đồng/kg. Riêng HTX Công Bằng và HTX Nam Thịnh ký hợp đồng với Công ty Dak Man sản xuất cà phê bền vững theo chứng nhận Faitrade và chế biến cà phê ướt nên giá bán cao hơn thị trường 8.000 đồng/kg, số lượng thu mua hàng năm 653 tấn.

HTX Công Bằng Thuận An ký hợp đồng với Công ty Dak Man sản xuất cà phê bền vững theo chứng nhận Faitrade 

Như vậy, cây cà phê là cây chủ lực nhưng trong quá trình sản xuất, sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp còn quá ít so với tổng diện tích toàn tỉnh cũng như nhu cầu đặt ra. Đa số người dân bán thông qua các công ty, đại lý buôn bán phân bón và thu mua nông sản, không có sự liên kết, giá bán lên xuống phụ thuộc vào sàn giao dịch của thị trường nên ảnh hưởng không nhỏ đến đại bộ phận người sản xuất cà phê.

Về liên kết chuỗi hồ tiêu

Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 32.902 ha hồ tiêu, sản lượng 38.302 tấn. Qua điều tra rà soát cho thấy có 6 hợp tác xã liên kết với một số công ty thu mua để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với 516 ha (chiếm 1,6% tổng diện tích). Các công ty thu mua tiêu sạch với giá chênh lệch 3.000 đồng/kg so với giá của sản xuất đại trà. Có 3 hợp tác xã sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn Oganic, được công ty Sơn Hà thu mua với giá gấp 1,5  - 2 lần so với giá thị trường nhưng phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt và có kiểm nghiệm trước khi chuyển hàng đi. Một số công ty đứng ra mua sản phẩm tiêu sạch cho người dân với giá chênh lệch 1.000- 3.000 đồng/kg so với thị trường với số lượng khoảng 1.000 tấn nhưng không có sự liên kết sản xuất hồ tiêu theo chuỗi từ ban đầu.

Về liên kết chuỗi cây ăn quả

Đến nay, toàn tỉnh có 6.617 ha cây ăn quả, sản lượng đạt 77.624 tấn. Các loại cây ăn quả chủ yếu được trồng xen trong các vườn cà phê, tiêu,... Về tiêu thụ các loại sản phẩm trái cây, chủ yếu do thương lái trực tiếp đến vườn, trang trại thu mua và phân phối cho các vựa trái cây lớn ở các chợ trung tâm của các huyện, thị xã và một số tỉnh thành lân cận. Vấn đề  liên kết để tiêu thụ sản phẩm hầu như rất ít .

Qua rà soát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có một số hợp tác xã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa phối hợp được với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm ... Chỉ có 01 hợp tác xã đã tìm được đầu ra, hướng đi thích hợp cho cây chanh dây, đó là Hợp tác xã Tia Sáng (tại phường Nghĩa Đức, TX.Gia Nghĩa) với số lượng thành viên 20 hộ, quy mô liên kết 30 ha. Đây là HTX hoạt động có hiệu quả, hàng năm HTX có chủ trương hỗ trợ một phần cây giống (HTX bán cây giống rẻ hơn so với thị trường từ 3.000 – 5.000 đồng/cây), kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm chanh dây cho các thành viên. Mỗi kg chanh dây được HTX thu mua cao hơn so với giá thị trường 500 đồng.

Về liên kết chuỗi rau, củ, quả và đậu các loại

Với tổng diện tích rau các loại 11.884 ha, được trồng ở tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh nhưng tập trung nhiều ở huyện Đắk Song và chủ yếu sản xuất theo tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, xây dựng thương hiệu.

Theo kết quả rà soát, trên địa bàn hiện nay có 05 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có liên kết để tiêu thụ sản phẩm, với quy mô 227,1 ha và 205 hộ dân tham gia. Các hộ dân được hợp tác xã đầu tư giống, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp và thu mua toàn bộ sản phẩm với giá ổn định, đảm bảo thu nhập cho các thành viên, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và ổn định cuộc sống.

Về liên kết chuỗi chăn nuôi heo (lợn), gà

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa có sự liên kết với các hộ dân để thành lập hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Hiện có hơn 80 hộ dân liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nuôi gia công để tạo ra các chuỗi liên kết ổn định đầu ra sản phẩm, trong đó có hơn 20 hộ dân đầu tư nuôi với quy mô lớn, tổng cộng có 37.400 con heo và 120.000 con gà.

Khi nuôi gia công, các hộ chăn nuôi phải có vốn đầu tư để xây dựng chuồng trại và bỏ công chăm sóc. Công ty C.P hỗ trợ 100 % đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đối với gà, sau 2 tháng nuôi lợi nhuận trung bình 9.000 đồng/con. Đối với heo, sau 5 tháng nuôi lợi nhuận trung bình 600.000 đồng/con. Với hình thức  liên kết này giúp người chăn nuôi chủ động được thị trường, tránh tình trạng mất cân đối cung - cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp người chăn nuôi ổn định sản xuất. 

Qua thực tế hiện nay cho thấy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất, tuy nhiên cần có sự hỗ trợ cho các HTX về kiến thức quản lý cũng như kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp liên kết cùng HTX, hộ nông dân để tổ chức sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là định hướng lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách hiệu quả.

            Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông