Được biết, mô hình có diện tích 02 ha do 04 hộ tham gia tại Hợp tác xã DVNN Tân Tiến, xã Phú Đức, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Mô hình áp dụng sạ lan với 100 kg giống/ha (giống OM18 cấp xác nhận); Thực hiện bón lót phân Đầu Trâu mặn - phèn, bón thúc bằng các loại phân chuyên dùng của Công ty CP Phân bón Bình Điền cân đối theo nhu cầu cây lúa; Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, tưới tiết kiệm nước, áp dụng quy trình ướt - khô xen kẽ…

Trung tuần tháng 3/2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Nước sạch nông thôn Đồng Tháp phối hợp Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tổ chức hội thảo tổng kết mô hình với sự tham dự của 30 đại biểu.

Tại hội thảo, cán bộ kỹ thuật và đại diện các hộ thực hiện mô hình cho biết, mô hình giảm lượng giống gieo sạ 30 kg/ha so với sản xuất đại trà, giảm 6 lần phun thuốc bảo vệ thực vật (01 lần thuốc cỏ, 02 lần thuốc sâu và 03 lần thuốc bệnh).

Mô hình áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, tưới tiết kiệm nước, áp dụng quy trình ướt - khô xen kẽ…

 

Về hiệu quả kinh tế, ruộng mô hình có lợi nhuận trung bình đạt 28,4 triệu đồng/ha, cao hơn 1,4 triệu đồng/ha so với đối chứng (27,0 triệu đồng/ha). Cán bộ kỹ thuật và các hộ dân đánh giá, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác trong mô hình nhìn chung cho hiệu quả kinh tế khá tốt; tuy nhiên, lợi nhuận ở ruộng mô hình cao hơn so với đối chứng không nhiều do chi phí phân bón là 6,05 triệu đồng/ha, cao hơn 1,85 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình sử dụng phân bón thông thường.

Việc thực hiện mô hình tạo điều kiện cho nông dân trao đổi chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, áp dụng vào thực tiễn những tiến bộ kỹ thuật mới như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng quy trình ướt - khô xen kẽ để tiết kiệm nước, bón phân cân đối, sử dụng các loại phân chuyên dùng, thực hiện sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa, làm quen việc ghi nhận được tình hình sinh trưởng của cây lúa và hạch toán được hiệu quả kinh tế, được tập huấn, hướng dẫn các tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập, an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.

Qua mô hình, nông dân được tìm hiểu, tiếp cận các dòng sản phẩm phân bón chuyên dùng mới cho cây lúa, góp phần nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay./.

Trí Tuệ - Bích Trâm

Trung tâm DVNN&NSNT Đồng Tháp