Bên cạnh đó sự biến đổi bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu và tạo điều kiện cho các loại sâu bệnh phát triển, đặc biệt bệnh chết nhanh gây hại làm cho vườn tiêu chết hàng loạt.

Trước thực trạng trên, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng 8 mô hình (4 ha) thí điểm sản xuất hồ tiêu bền vững kết hợp sử dụng than sinh học tại 5 xã (Đắk Ha, Quảng Sơn, Nhân Cơ, Thuận Hà, Nam Dong), thuộc các huyện Đắk Song, Cư jut, Đắk Rlấp, Đắk Glong. Đây là những vùng sản xuất tiêu trọng điểm và có diện tích tiêu nhiễm bệnh nặng nên việc thực hiện mô hình tạo cơ hội giúp người trồng tiêu địa phương học tập kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế sản xuất nhằm hạn chế tình trạng ồ tiêu chết hàng loạt.

Từ ngày 20-22/11/2019, Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông đã kết hợp với chính quyền địa phương các xã tổ chức 04 cuộc hội thảo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện. Từ mô hình cho thấy vườn tiêu sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ước đạt trung bình 4 tấn tiêu đen/ha. Số lượng tiêu chết do nhiễm bệnh rất ít, tỷ lệ tiêu nhiễm bệnh ở mức nhẹ. Thông qua mô hình, nông dân địa phương đã biết đến lợi ích của than sinh học mang lại, đó là  khi đưa vào đất than sinh học có tác dụng như một chất cải tạo đất, giúp nâng cao lượng mùn, tăng cường hoạt động hệ vi sinh vật trong đất, tăng khả năng giữ nước, giữ ẩm, chất dinh dưỡng, từ đó tác động tích cực đến nền đất canh tác. Đây là một trong những tiến bộ mới giúp giảm thiểu phát thải nhà kính, hạn chế biến đổi khí hậu cũng như mở ra hướng mới cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra các loại phân bón thuốc BVTV hỗ trợ mô hình sản xuất hồ tiêu được ưu tiên những loại có nguồn gốc sinh học, hữu cơ là chủ yếu.

Các đại biểu tham dự tổng kết mô hình

Theo ông Vũ Thanh Hoài là người có kinh nghiệm trồng tiêu trên địa bàn xã Thuận Hà, Đắk Song và cũng là hộ tham gia mô hình cho biết: “Năm năm nay, gia đình tôi đã sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. Hàng năm tôi bón lượng hữu cơ rất nhiều, cây sinh trưởng phát triển tốt, lá xanh đậm, bóng nhưng pH đất không vượt qua ngưỡng 5. Khi tham gia mô hình, tôi thấy pH tăng rõ rệt, pH vượt qua ngưỡng 5 và có những vùng pH lên mức 6 cho thấy than sinh học cải tạo, giải độc đất rất tốt, đặc biệt pH đất tăng rất nhanh. Nếu cải tạo được pH thì sẽ hạn chế được tình trạng tiêu chết hàng loạt”.

Tại các cuộc hội thảo, nhiều hộ nhận định, khi sử dụng than sinh học khả năng thoát nước rất tốt, sau các trận mưa nước không còn trong bồn như năm trước. Các đại biểu tham gia hội thảo quan tâm nhiều đến cách sử dụng, liều lượng bón, nơi mua sản phẩm than sinh học và đề nghị cần tiếp tục xây dựng các mô hình thí điểm về lượng than cũng như phân hữu cơ vi sinh để xây dựng quy trình hoàn thiện cho người dân.

Kkết quả của mô hình từng bước tác động làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo phương pháp truyền thống sản xuất theo kinh nghiệm chuyển sang theo hướng bền vững, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao hơn đặc biệt trong phòng và trị bệnh trên cây hồ tiêu trong giai đoạn biến đổi khí hậu như hiện nay.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông