Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp đặc biệt là nghề nuôi trồng thủy sản. Dịch bệnh luôn tiềm ẩn, môi trường nuôi ngày càng bị ô nhiễm, mất mùa liên tiếp xảy ra, đời sống của người dân càng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó nghề nuôi tôm nước lợ luôn phải đối diện với nhiều thách thức về rủi ro và dịch bệnh gan tụy và đốm trắng liên tục lan rộng và gây thiệt hại rất lớn, có nhiều ao nuôi tôm sú, tôm thẻ đang bị treo ao vì thua lỗ, không đủ nguồn vốn để tái sản xuất.

Góp phần khắc phục những khó khăn trên, Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú với diện tích 3 ha do 6 hộ tại xã Long Sơn (huyện Cầu Ngang), xã Ngũ Lạc, Đôn Châu, Long Khánh (huyện Duyên Hải). Nhà nước hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn, các hộ thực hiện mô hình được cán bộ kỹ thuật tập huấn, hướng dẫn trong suốt giai đoạn nuôi.

Anh Lâm Văn Hòa ở ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải chia sẻ, nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi nuôi tôm sú cần chú ý một số điểm sau: sau 02 tháng thả giống, cần sử dụng men vi sinh để xử lý đáy ao, hạn chế việc sử dụng hóa chất và không sử dụng kháng sinh. Trong quá trình nuôi ao cần giữ màu nước xanh ổn định, các chỉ số môi trường nước ít biến động để tôm phát triển tốt.

Theo anh Trần Văn Xệ ở ấp Tân Lập, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết, anh áp dụng đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ khuyến nông hướng dẫn nên tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú phát triển tốt, năng suất bình quân ước đạt 1,66 tấn/ha. So sánh hiệu quả với các ao khác trong vùng nước ngọt anh nhận thấy tôm các hộ trong vùng nước ngọt chậm phát triển hơn, hệ số thức ăn cao hơn (2,2), trong khi hệ số thức ăn của mô hình là 2,0. Đây cũng được xem là thành công của mô hình.

Tổng kết mô hình, cả 6 hộ thực hiện đều thu lợi nhuận từ 80 – 90 triệu đồng/ha, cao hơn so với lợi nhuận sản xuất tại vùng khác bình quân là 30 triệu đồng (lợi nhuận sản xuất vùng nước ngọt khoảng 50 triệuđồng/ha).

Mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao nước lợ có khả năng hạn chế dịch bệnh trên tôm sú, tôm thẻ, giảm rủi ro trong sản xuất, tăng thu nhập cho người nuôi so với nuôi tôm trong vùng nước ngọt, đồng thời góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

 

Lưu Văn Phúc

Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh