Đây là hoạt động thường niên trong chương trình hợp tác đào tạo nông nghiệp và khuyến nông giữa các nước ASEAN. Tham dự lớp tập huấn có 30 học viên là cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nghiên cứu, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và người sản xuất chè đến từ 05 nước (Thái Lan: 03 học viên, Malaysia: 03, Philippine: 01, Lào: 11 và Việt Nam: 12 học viên).

Các học viên thực tập máy hái chè

Thuận lợi của Việt Nam khi tổ chức lớp tập huấn sản xuất chè bền vững

Việt Nam là một trong những nước sản xuất chè lớn, ngành Chè Việt Nam tiếp tục đứng thứ 7 về sản xuất và đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè. Hiện Việt Nam có khoảng 135 ngàn ha chè, sản lượng hàng năm đạt trên 100 ngàn tấn, xuất khẩu khoảng 80 ngàn tấn. Cả nước hiện có khoảng 300 đơn vị và cá nhân tham gia xuất khẩu chè sang 61 Quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tập đoàn giống chè đa dạng, nhiều vùng chè có lợi thế để sản xuất chè chất lượng cao, chè hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm; bên cạnh đó, người dân Việt Nam còn có kinh nghiệm sản xuất, thâm canh chè, nhiều mô hình có năng suất chè rất cao 25- 35 tấn/ha, góp phần hình thành và phát triển vùng nguyên liệu chè có năng suất búp chè tương đương thế giới.

Người lao động ở một số vùng chè có kinh nghiệm chế biến các sản phẩm chè thủ công độc đáo mạng dấu ấn thương hiệu các vùng như chè xanh móc câu Thái Nguyên; chè vàng Hà Giang, chè tự nhiên Suối Giàng - Yên Bái, chè Shan tuyết Tủa Chùa - Điện Biên, chè Tà Xùa - Sơn La…

Ngoài những lợi thế trên, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc – nơi tổ chức lớp tập huấn còn có nhiều thành tựu trong nghiên cứu và phát triển ngành chè; có đội ngũ chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm và thực tiễn sản xuất chè; trang thiết bị thực hành đầy đủ; có vườn tập đoàn các giống chè, có vườn ươm để nhân giống và các mô hình sản xuất chè hữu cơ, sản xuất chè theo VietGAP,… rất thuận tiện cho học viên học, thực hành và trải nghiệm thực tế tốt nhất.

Học viên học được những gì?

Anh Sookxai Chaleunsook đến từ Lào cho biết: “Trong thời gian tập huấn, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm của Việt Nam trong sản xuất chè. Chúng tôi đã học được một loạt các kỹ thuật từ chọn tạo và nhân giống đến kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch chè. Ở Lào, chúng tôi chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật như vậy mà chỉ trồng chè hữu cơ theo cách tự nhiên. Khi chúng tôi ra vườn chè thấy vườn chè xấu thì chỉ biết là xấu thôi chứ không biết tại sao xấu, do sâu, bệnh gì và cũng không áp dụng bất cứ một biện pháp bảo vệ thực vật nào. Tuy nhiên, sau khóa học này chúng tôi nhận thấy nếu áp dụng các biện pháp kỹ thuật như đốn hái, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp thì chè vẫn tăng được năng suất và đảm bảo được chất lượng. Đây là các kiến thức rất hay và bổ ích, chắc chắn chúng tôi sẽ về áp dụng”.

Anh Hidney Bin Wahid đến từ Malaysia, lớp trưởng, đại diện các học viên cho rằng: “Khóa tập huấn thực sự hữu ích và hiệu quả. Chúng tôi đã tham gia khóa học một cách nhiệt tình và nghiêm túc. Chúng tôi đã được học về giống chè, các phương pháp nhân giống và thực hành nhân giống tại vườn ươm. Chúng tôi đã nắm vững các kỹ thuật chăm sóc chè giai đoạn kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh, canh tác chè thích ứng với biến đổi khí hậu, học các phương pháp bảo quản chế biến chè xanh, chè Ô Long chất lượng cao, được tham quan các máy móc, thiết bị chế biến cho hai loại chè này. Được trải nghiệm thực tế vườn chè thực sự thích thú. Tại đây chúng tôi được học phương pháp điều tra sâu bệnh hại, được tận mắt nhận biết các mẫu giống sâu, bệnh và cùng phân tích triệu chứng cũng như cách phòng trừ, chúng tôi cũng được thực hành hái chè bằng máy, thăm quan mô hình sản xuất chè hữu cơ và hệ thống tưới nước cho chè. Tôi rất tự tin rằng tất cả các học viên chúng tôi sau khóa học đều có thể sử dụng tốt kiến thức, kinh nghiệm đã học được để áp dụng vào thực tiễn sản xuất cũng như tổ chức các khóa đào tạo về sản xuất chè an toàn cho nông dân của nước mình”.

Chị Nathida Howharn đến từ Cục Khuyến nông Thái Lan cho biết: “Lần đầu tiên nhóm chúng tôi đến Việt Nam và tham gia khóa học về sản xuất chè, chúng tôi nhận thấy khóa học được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, nội dung khóa học rất thiết thực. Chúng tôi không những học được kiến thức từ các giảng viên mà còn được chia sẻ kinh nghiệm từ các nước bạn. Chúng tôi sẽ áp dụng kiến thức học được để chuyển giao cho bà con nông dân theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả”.

Mong muốn hợp tác và chia sẻ

Chị Manikhone Thepsobath đến từ Lào cho biết: “Chúng tôi biết rằng Việt Nam đang triển khai một số dự án về sản xuất chè ở một số tỉnh của Lào. Hiện các tỉnh phía Bắc của Lào như Xiêng Khoảng, Phongsaly… trồng rất nhiều các giống chè Shan, chúng tôi mong muốn được học hỏi nhiều hơn nữa các biện pháp kỹ thuật cho chè Shan để đẩy mạnh phát triển cây chè Shan có năng suất cao và chất lượng tốt”.

Đại diện cho đoàn Việt Nam, anh Đỗ Anh Dũng – Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên mong muốn Việt Nam được hợp tác với các nước ASEAN và thống nhất được quy trình sản xuất chè bền vững theo tiêu chuẩn GAP trong khối ASEAN.

Anh Jamir Nino Purificacion Ocampo, đến từ Philipine hi vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ giúp Philippine phát triển ngành chè từ khâu giống đến các biện pháp kỹ thuật cũng như các máy móc chế biến chè.

Với mong muốn cùng nhau hợp tác và phát triển ngành chè ngày càng bền vững và hiệu quả cả ở trong nước và các nước Đông Nam Á, TS. Đặng Văn Thư – Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho rằng: Viện là một trong những đơn vị chuyên sâu về sản xuất chè. Viện sẵn sàng cử các chuyên gia, kỹ thuật viên giỏi sang giúp các nước bạn để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về chè và hy vọng trong thời gian tới ngành chè của Việt Nam cũng như ngành chè các nước Đông Nam Á ngày càng phát triển, tạo thu nhập ổn định cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống cho người lao động.

Bế giảng lớp tập huấn, ông Kim Văn Tiêu - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Trong bối cảnh hợp tác toàn diện và bền vững giữa các nước ASEAN, việc nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về sản xuất nông sản an toàn đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế các nước Đông Nam Á. Việt Nam là một quốc gia thành viên ASEAN, cam kết tích cực tham gia và thúc đẩy các hoạt động đã được thông qua trong hội nghị thường niên Nhóm công tác đào tạo nông nghiệp và khuyến nông các nước ASEAN. Lớp tập huấn sản xuất chè bền vững được tổ chức thành công, thông qua lớp tập huấn các học viên không những nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, cách tổ chức sản xuất và thực hành các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng chè theo hướng bền vững mà còn có dịp giao lưu, học hỏi, trải nghiệm về cuộc sống và văn hóa các nước ASEAN. Ông cũng tin tưởng rằng, với kiến thức học được, học viên hoàn toàn có thể chủ động triển khai các lớp tập huấn về sản xuất chè cho bà con nông dân nước mình.

Một số hình ảnh lớp tập huấn

Tham quan vườn ươm

Học điều tra sâu bệnh tại vườn chè

Thực tập điều tra và nhận biết sâu bệnh hại chè

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia