Chúng tôi đến gia đình anh Trịnh Duy Hưng, thôn 6 xã Thái Bình. Ấn tượng đầu tiên trước khi vào đến gia đình, ở hai bên đường, dưới tán lá nhãn xanh mướt là những thùng ong được xếp ngay ngắn.

Anh Hưng cho biết, năm 2013,  anh vay mượn tiền từ bạn bè để mua 8 đàn ong. Ban đầu do chưa biết về kỹ thuật nuôi nên ong bị bệnh thối ấu trùng, ong non không nở dẫn đến số lượng ong trong đàn giảm nhanh, có đàn ong chết gần hết, cầu ong bị thối hỏng, sản lượng mật không có và phải thêm tiền để mua đường làm thức ăn cho đàn ong. Mặc dù ong chưa cho thu nhập đã bị bệnh, nhưng anh không nản chí, quyết tâm học hỏi kỹ thuật qua bạn bè đang nuôi ong rồi tự đúc rút kinh nghiệm để chủ động phòng chống được một số bệnh thường gặp cho ong, từ đó đàn ong của gia đình anh phát triển rất tốt, số lượng ong thợ trong đàn mỗi ngày một đông và phải bổ sung thêm cầu để ong xây bánh tổ.

Anh Hưng đang kiểm tra đàn ong lấy mật chuẩn bị cho đợt khai thác mới

 

Sau những mùa hoa nhãn, vì biết gia đình anh nuôi ong và có mật ong hoa nhãn nên có nhiều người trong xã đặt mua. Nhận thấy việc nuôi ong lấy mật sẽ làm tăng thêm thu nhập cho gia đình, nên từ 8 đàn ong ban đầu, hàng năm anh tiến hành chia những đàn ong đông quân để tăng số lượng đàn, đến nay gia đình anh đã có trên 150 đàn ong. Vụ hoa nhãn năm nay anh thu được 750 lít mật,với giá trung bình 150 nghìn đồng/lít, thu về khoảng 112 triệu đồng. Anh cho biết đầu vụ anh đầu tư hết khoảng hơn 40 triệu đồng để nhân đàn, tổng số đàn ong của anh chuẩn bị vào vụ hoa nhãn là 190 đàn, anh vừa khai thác mật và kết hợp bán 40 đàn ong giống với giá 1,2 triệu đồng/đàn thu về 48 triệu đồng, cộng với tiền bán mật, vụ ong mật năm nay gia đình anh thu nhập 160 triệu đồng; ngoài thu nhập từ ong, hàng năm gia đình anh thu khoảng 20 triệu đồng từ tiền bán nhãn quả.

Theo anh Hưng, ưu điểm của nghề nuôi ong lấy mật dưới tán nhãn là vốn đầu tư ban đầu không lớn, không tốn nhiều nhân lực mà lại cho thu nhập cao. Sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu được trên 100 triệu đồng từ tiền bán mật và ong giống. Mật ong được các thương lái ở nhiều nơi về thu mua, ong giống chủ yếu bán cho người dân địa phương có nhu cầu nuôi ong, các hộ mua ong giống đều được anh tận tình giúp đỡ về kinh nghiệm và kỹ thuật nhân đàn và nuôi lấy mật, do đó số hộ có thu nhập từ nuôi ong ngày một tăng.

Ông Trần Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết: Thái Bình là xã điển hình về phát triển nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn huyện Yên Sơn. Toàn xã hiện có 87,68 ha nhãn và 1.300 ha keo; tổng số ong trên địa bàn xã là 2.283 đàn/57 hộ nuôi, hàng năm cho sản lượng mật là 19,2 tấn, ước giá trị thu nhập khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Nếu như trước đây nguồn thu của người dân trồng nhãn chủ yếu là từ bán nhãn quả thì hiện nay, nhiều hộ dân đã biết tận dụng lợi thế của địa phương là có diện tích nhãn vải và rừng keo để phát triển thêm nghề nuôi ong.

Nhằm giúp thêm nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế; bên cạnh việc  trồng rừng và chăn nuôi đại gia súc, UBND xã Thái Bình tiếp tục chỉ đạo nhân dân mở rộng thêm diện tích nhãn, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai giúp nhân dân cải tạo lại giống nhãn già cỗi trở thành vùng nhãn chất lượng cao; mở rộng quy mô đàn ong tiến tới thành lập Hợp tác xã nuôi ong và đăng ký thương hiệu sản phẩm mật ong hoa nhãn xã Thái Bình./.

Vũ Thành Lâm 

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang