Tuy nhiên, để hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực, đồng thời để cây mía tiếp tục phát triển cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó đầu tư thâm canh để tăng năng suất mía, giảm chi phí sản xuất được coi là yếu tố quyết định để ngành mía đường Tuyên Quang phát triển.

Đóng góp của cây mía

Tuyên Quang với đặc thù là tỉnh miền núi, do được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu nên thích hợp cho nhiều cây trồng hàng hóa phát triển, như: cam sành Hàm Yên, lạc Chiêm Hóa, chè và mía được trồng ở nhiều huyện… trong đó mía là cây trồng có diện tích lớn hơn cả. Từ mía, hàng năm đã mang lại doanh thu trên 500 tỷ đồng cho người trồng mía… Ngoài ra, còn hàng nghìn người được hưởng lợi từ các dịch vụ: cung ứng vật tư, phân bón, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển… Cũng từ cây mía đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc phát triển nhờ tận dụng lá, ngọn làm thức ăn. Năm 2015, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đóng góp cho ngân sách tỉnh trên 25 tỷ đồng tiền thuế…

Thuận lợi và thách thức

Suốt một thời gian dài, cây mía luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cùng các ngành liên quan và các địa phương trong chỉ đạo mở rộng diện tích, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định: “Thâm canh nâng cao năng suất diện tích mía hiện có; quy hoạch phát triển mới diện tích mía ở những nơi phù hợp, bảo đảm nguyên liệu cho phát triển công nghiệp mía đường của tỉnh”.

Tháng 7 năm 2014, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư giống cho hộ gia đình để trồng mới với diện tích từ 0,2 ha trở lên; định mức cho vay 10 triệu đồng/ha; mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 50 triệu đồng/hộ.

Tháng 7 năm 2015, UBND tỉnh có Quyết định 208 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Theo đó, đến năm 2020, phấn đấu năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt 80 tấn/ha (tăng khoảng 20 tấn/ha so với năm 2014); những nơi có điều kiện thuận lợi phấn đấu năng suất đạt trên 90-100 tấn/ha.

So với các cây trồng khác, cây mía hiện là cây trồng duy nhất trên địa bàn tỉnh được Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương ký hợp đồng tiêu thụ, cam kết giá mua ổn định 900 đồng/kg mía cây trong thời gian dài. Để hỗ trợ người trồng mía, công ty có chính sách làm đất bằng máy, cung ứng giống mía, phân bón vi sinh, phân vô cơ để chăm sóc mía, hệ thống nông vụ đến tận xã hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch mía…

Ngành Nông nghiệp của tỉnh, chính quyền các địa phương, hệ thống khuyến nông trong tỉnh tích cực phối hợp với công ty cổ phần mía đường Sơn Dương tổ chức chỉ đạo, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng mía theo kế hoạch, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mía, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện…

Mặc dù có những thuận lợi trên, nhưng cây mía Tuyên Quang đang đứng trước nhiều thách thức: Do đầu tư thâm canh kém nên năng suất mía cây bình quân thấp, năm 2015 mới đạt gần 60 tấn/ha, dẫn đến thu nhập thấp hơn một số cây trồng khác. Chi phí đầu tư ban đầu, công lao động cao, nhất là công trồng, chăm sóc, thu hoạch, bốc xếp… Trong khi lực lượng lao động ở nông thôn bị thu hẹp do sự chuyển dịch lao động sang làm việc khác có thu nhập cao hơn. Hiện nay một cây trồng, nhất là nhóm cây ăn quả có múi cho thu nhập cao hơn đang cạnh tranh đất trồng mía với mức độ ngày càng gay gắt. Nhiều xã trước đây có diện tích mía khá lớn lại ở gần nhà máy như Phú Lương (Sơn Dương), Bình Xa (Hàm Yên)… diện tích trồng mía đã giảm mạnh; diện tích trồng mới nhiều năm của tỉnh không đạt kế hoạch. Việc tổ chức sản xuất mía, thu mua mía nguyên liệu chưa có nhiều đổi mới so với hơn 20 năm về trước. Số hộ ký hợp đồng trực tiếp với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương quá nhiều dẫn đến khó quản lý, hướng dẫn áp dụng tiến bộ kỹ thuật; Chưa hình thành các tổ nhóm sở thích thâm canh, thu hoạch, vận chuyển mía nguyên liệu. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mía còn hạn chế. Diện tích mía manh mún, cự ly vận chuyển từ nơi trồng về nhà máy còn xa, có nhiều chỗ đến trên 70-80 km. Cạnh tranh của đường nhập từ Thái Lan rất khốc liệt do giá rẻ hơn; Thị trường tiêu thụ đường không ổn định, chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc…

Tham quan mô hình trồng mía sử dụng phân bón Grow more năng suất đạt trên 100 tấn/ha tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa

Thâm canh tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất

Trong giai đoạn tới, giải pháp tăng sản lượng mía nhờ mở rộng diện tích (trồng mới hoặc trồng lại) gặp rất nhiều khó khăn, nếu không muốn nói là không khả thi. Chính vì vậy, áp lực tăng năng suất mía để đáp ứng đủ nguyên liệu cho 2 nhà máy chế biến đường, tạo sự gắn kết với người trồng mía, đồng thời giảm chi phí sản xuất để đường Tuyên Quang có thể cạnh tranh tốt hơn với đường sản xuất trong nước và nhập khẩu... đang đặt ra cho ngành mía đường của tỉnh nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong đó đầu mối quyết định thực hiện việc này là Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cần thực hiện một số giải pháp chính như sau:

1. Tiếp tục hướng dẫn người trồng mía thực hiện đầu tư thâm canh toàn diện đối với diện tích trồng mía nguyên liệu theo đúng quy trình kỹ thuật. Quan trọng nhất là bón đủ lượng phân khoáng hữu cơ vi sinh (hoặc phân chuồng), cộng với phân vô cơ (đạm, lân, kali) hoặc phân bón Grow more nhập khẩu từ Mỹ, phân NPK nhả chậm đã được thử nghiệm đánh giá hiệu quả đối với cây mía. Theo điều tra sơ bộ, trong thực tế hiện nay chỉ có khoảng 50% số hộ bón phân theo quy trình kỹ thuật, số còn lại bón không đủ lượng, thậm chí không bón. Thâm canh mía phải được coi là giải pháp tiên quyết, vừa thiết thực, vừa dễ làm để nâng năng suất mía trung bình lên 80 tấn/ha vào năm 2020, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng mía.

2. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất mía, từ lựa chọn giống có năng suất cao, chữ đường tốt, làm đất bằng máy, ứng dụng tưới nước cho mía ở những nơi có điều kiện, đến thử nghiệm các loại phân bón mới, thực hiện luân canh, xen canh mía với cây họ đậu, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ một số côn trùng hại mía, nhất là đối tượng bọ hung, sâu đục thân, rệp. Trong thực tế đã có nhiều hộ do biết kết hợp giữa phân bón khoáng vi sinh với phân bón Grow more mà mía đã đạt năng suất trên 100 tấn/ha, cao hơn trên 20% so với bón phân truyền thống như hộ ông Hà Công Ruệ ở thôn Quang Hải - xã Vinh Quang, hộ ông Hà Công Tiến ở thôn Làng Bục xã Tân Thịnh (huyện Chiêm Hóa)…

3. Tổ chức lại sản xuất mía nguyên liệu thông qua hợp tác xã dịch vụ hoặc tổ nhóm liên kết trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bốc xếp, vận chuyển. Cần giảm đầu mối ký hợp đồng trực tiếp giữa công ty với hộ trồng mía xuống còn 1/2 thậm chí 1/3 so với hiện nay. Quy hoạch đường giao thông liên thôn đến những vùng trồng mía trọng điểm; tu sửa đường giao thông vận chuyển mía. Có chính sách hỗ trợ, khen thưởng người trồng mía thực hiện đầu tư thâm canh theo đúng kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới để tăng năng suất mía. Tiếp tục cắt giảm chi phí không cần thiết để giá thành sản xuất mía đường đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

4. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện và chính quyền các huyện, các xã cần phối hợp chặt chẽ cùng công ty cổ phần mía đường Sơn Dương để tuyên truyền, vận động người trồng thực hiện đầu tư thâm canh toàn diện đối với diện tích mía nguyên liệu. Phải xác định để hội nhập và phát triển, tăng thu nhập cho người trồng mía, giữ ổn định diện tích mía hiện có và không bị áp lực về mở rộng diện tích mía trồng mới thì không còn con đường nào khác là thực hiện đầu tư thâm canh mía theo đúng kỹ thuật./.

Nguyễn Đại Thành 

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang