Trước thực trạng này, từ tháng 4 năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Quy mô thực hiện dự án là 30 ha, với 49 hộ tại xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn) tham gia. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành tổ chức tập huấn cho 150 hộ trồng chè trong vùng về kỹ thuật chăm sóc; cách nhận biết một số loại sâu bệnh chính hại chè; biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo IPM; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

Chị Lê Thị Thu, thôn 13, xã Mỹ Bằng có 6.600 m2 chè áp dụng theo mô hình cho biết, qua các buổi tập huấn các hộ đã nắm được cơ bản về quy trình sản xuất chè VietGAP. Từ đó chị đã áp dụng nghiêm túc bón phân cân đối; ứng dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM; sử dụng chủ yếu thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, giảm được số lần phun thuốc trong vụ, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch chè, đảm bảo an toàn lao động và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, đáp ứng các tiêu chuẩn của đơn vị thu mua.

Bà Đào Thị Thương, thôn Quyết Thắng, xã Mỹ Bằng có 5.900 m2 chè áp dụng theo mô hình. Qua năm đầu tiên thực hiện, năng suất chè của gia đình bà tăng từ 10,62 tấn lên 12,64 tấn.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh kiểm tra vườn chè tại xã Mỹ Bằng

Theo đánh giá sau 01 năm triển khai thực hiện, cây chè sinh trưởng phát triển tốt, tán chè rộng, búp chè đồng đều, năng suất bình quân đạt 19 tấn/ha/năm, cao hơn các hộ ngoài mô hình 1,5 tấn. Qua đó giúp tăng thu nhập so với sản xuất chè thông thường gần 14,4 triệu đồng/ha.

Dự án đã giúp nông dân nâng cao thu nhập từ trồng chè, góp phần tuyên truyền mở rộng diện tích áp dụng kỹ thuật thâm canh chè theo hướng an toàn trên địa bàn toàn xã./. 

Trần Thị Thường

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang