Ngay từ những năm 2003, huyện đã được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò sữa, tạo thuận lợi trong đào tạo cán bộ chăn nuôi thú y, tuyên truyền thay đổi tập quán chăn nuôi đại gia súc, từ chăn thả tự nhiên sang chăn dắt và nuôi nhốt, từ chăn nuôi trâu để phục vụ sức kéo sang nuôi trâu, bò lấy thịt và làm giàu. Đặc biệt, đây cũng là huyện đi tiên phong trong triển khai thụ tinh nhân tạo để nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò của tỉnh.

Vai trò của đội ngũ dẫn tinh viên

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Yên Sơn hiện có 15 dẫn tinh viên được đào tạo qua các chương trình hỗ trợ của tỉnh và trung ương, trong đó có 06 dẫn tinh viên có nhiều kinh nghiệm thực hành, tích cực thực hiện chương trình này và có thu nhập khá ổn định. Ngoài ra, nhiều dẫn tinh viên có kinh nghiệm đang cư trú tại thành phố Tuyên Quang và huyện Sơn Dương cũng tham gia thụ tinh cho đàn trâu, bò của huyện Yên Sơn. Chính vì vậy, ở đâu có hộ chăn nuôi cần phối giống nhân tạo cho trâu, bò thì cán bộ dẫn tinh viên sẽ có mặt kịp thời.

Ông Ma Văn Chung - Nhân viên thú y xã Đội Bình là người rất tâm huyết với nghề và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò cho biết, do có chuyên ngành chăn nuôi thú y, đồng thời sớm được tập huấn về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, nên từ năm 2007 ông đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn bò của xã Đội Bình và các xã lân cận trên địa bàn huyện Yên Sơn. Với đặc tính sinh lý, sinh sản của bò thì việc theo dõi và phát hiện động dục tương đối dễ, nên việc thụ tinh nhân tạo cho bò thuận lợi hơn rất nhiều so với trâu (trâu cái động dục âm thầm, khó phát hiện). Mặt khác, trước đây đồng cỏ còn nhiều, chăn nuôi trâu chủ yếu là chăn thả tự do, nên việc phối giống, sinh sản của đàn trâu do tự nhiên là chính. Gần đây, diện tích đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp, nhiều nơi không có bãi chăn thả, nên tỷ lệ sinh sản tự nhiên của trâu thấp, tổng đàn giảm sút. Bên cạnh đó, nhiều trâu đực to được mua bán với mục đích thương mại, người nuôi trâu cái gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối giống tự nhiên. Cũng chính từ khó khăn này mà việc thụ tinh nhân tạo cho trâu mới được các hộ quan tâm để nâng tỷ lệ sinh sản, đồng thời nâng tầm vóc cho đàn trâu; nhờ đó, nghề thụ tinh nhân tạo cho trâu của ông Chung mới có điều kiện phát huy.

Ông Chung vốn là người cẩn thận, khi thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò của hộ gia đình nào, ông đều ghi chép đầy đủ thông tin, để vừa tiện cho việc theo dõi và có kế hoạch phối giống lại với những con động dục lại, hoặc xem xét, điều trị cho những con không có chửa do mắc các bệnh về sinh sản; đồng thời dự kiến ngày đẻ cho các hộ chăn nuôi để tiện cho việc chăm sóc, quản lý. Khi được hỏi ông đã thụ cho bao nhiêu trâu, bò trên địa bàn huyện Yên Sơn, ông đã lục tìm các quyển sổ ghi chép và đưa ra con số, riêng từ năm 2009 đến nay đã thụ tinh nhân tạo được 3.896 con bò và trên 644 con trâu. Với tay nghề của mình, tỷ lệ thụ tinh lần 1 để bò có chửa khoảng trên 80%, cho trâu khoảng 60 %. Để thụ tinh đạt tỷ lệ cao, quan trọng nhất là việc theo dõi của hộ chăn nuôi phải xác định đúng thời điểm trâu, bò động dục để thông báo cho dẫn tinh viên đến kiểm tra, phối giống. Do nhiệt tình, lại có tay nghề cao và tiền công ông Chung lấy với giá vừa phải (đối với bò là 250.000 đồng/con, trâu 400.000 đồng/con có chửa) nên ông được nhiều người tin tưởng, mời đến thụ tinh cho trâu, bò của gia đình. Đây là địa chỉ tin cậy của nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản trên địa bàn huyện Yên Sơn.

Kết quả ấn tượng

Ông Tống Hữu Hùng ở xóm 5, xã Trung Môn cho biết, gia đình ông nuôi 2 con trâu cái sinh sản. Trước đây việc phối giống cho trâu gặp nhiều khó khăn. Từ ngày biết ông Ma Văn Chung có nghề thụ tinh nhân tạo cho trâu, ông đã  đặt niềm tin vào tay nghề của dẫn tinh viên. Từ năm 2016 đến nay, gia đình ông đã có 5 con nghé được đẻ ra từ thụ tinh nhân tạo. Lúc đầu, ông sử dụng tinh giống trâu ta, giống này cho con cũng to và lớn nhanh, nhưng tỷ lệ thịt lại không cao. Sau đó, qua khuyến cáo của cán bộ khuyến nông huyện và dẫn tinh viên, ông chuyển sang thụ tinh bằng tinh trâu Murrah có nguồn gốc Ấn Độ. Giống trâu này có ưu điểm: hiền lành, lớn nhanh, nếu chăm sóc tốt thì chỉ nuôi trên 1 năm (từ khi nghé sinh ra) đã có khối lượng gần 300 kg/con, bán được khoảng 30 triệu đồng/con, cao hơn trâu nội 1,5 lần. Ngoài ra, trâu Murrah còn có đặc điểm da mỏng nên cho thịt thương phẩm cao, chính vì vậy được nhiều thương lái tìm mua. Tuy  nhiên, trâu Murrah có ngoại hình không giống với trâu nội (lông đen bóng, nhiều khoang khoáy)  nên một số hộ nuôi trâu với mục đích để làm giống có tâm lý không thích.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra trâu thụ tinh nhân tạo của hộ ông Tống Hữu Hùng

Chúng tôi đến thăm ông Đồng Đại Cường, xóm Núi Cẩy, xã Hoàng Khai. Vốn  vừa làm nghề nông, vừa  làm thợ xây, đất trồng cỏ ít nên ông chỉ nuôi 1 trâu cái sinh sản. Từ 5 năm nay, ông đều mời dẫn tinh viên đến thụ tinh nhân tạo cho trâu. Qua 4 lần trâu đẻ được 5 con nghé (do 1 lần trâu đẻ sinh đôi), ông nuôi khoảng gần 2 năm thì bán được  trên 30 triệu đồng/con.

Bà Nguyễn Thị Lương, thôn 3, xã Thái Bình nuôi 1 con bò cái. Cách đây gần 2 năm cũng mời dẫn tinh viên Phan Quốc Toản ở phường Tân Hà đến phối tinh bò 3B. Sau hơn 9 tháng, bò đẻ ra 1 bê cái. Do đây là giống bò chuyên thịt nên lớn rất nhanh, bà nuôi gần 6 tháng bán được 20 triệu đồng. Hiện nay, con mẹ đang có chửa  từ thụ tinh nhân tạo, đến tháng 4 này sẽ đẻ.

Vui mừng chia sẻ về giống bò 3B, ông Trần Ngọc Hiền, xóm Chanh 2, xã Thái Bình cho biết, nhà ông nuôi 3 con bò sinh sản, ông đã  thực hiện thụ tinh nhân tạo cho bò từ nhiều năm nay. Năm 2019, ông  cho phối tinh bò 3B. Đầu tháng 2 vừa rồi, bê mẹ sinh 1 bê con với khối lượng 34 kg, mặc  dù bê mới đẻ nhưng đã có thương lái đến đặt mua. Ông Hiền lưu ý, do bê con 3B khi đẻ ra rất to, vì vậy cần chọn bò mẹ phải to, tốt nhất chọn bò cái nền Zebu, khi phối tinh bò 3B thì bò mẹ  phải đẻ 2 - 3 lứa rồi mới đảm bảo an toàn khi sinh bê con.

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn Nguyễn Hữu Phương khẳng định: Kết quả thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn trâu, bò trong thời gian vừa qua của Yên Sơn là bước đi quan trọng để đẩy mạnh thực hiện cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn trâu, bò của huyện; đồng thời tiếp cận, bổ sung nguồn gen mới nhằm hạn chế giao phối cận huyết, từ đó tiếp cận với phương thức chăn nuôi mới, phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, nhân lực nhàn rỗi, góp phần quan trọng làm thay đổi kỹ thuật và tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, huyện Yên Sơn sẽ tiếp tục cử thêm cán bộ của các xã đi đào tạo về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, phấn đấu mỗi xã có ít nhất 1 cán bộ  dẫn tinh viên có tay nghề cao để chủ động thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc cả huyện; đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết chăn nuôi,  chế biến, tiêu thụ sản phẩm trâu, bò thịt để nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi./.

Nguyễn Đại Thành

Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang