Theo đó, chương trình khuyến nông tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 được được định hướng phát triển ngành nông nghiệp tỉnh nhà đáp ứng với yêu cầu sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường gắn với sản xuất theo liên kết chuỗi nhằm chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Đối tượng được chương trình hỗ trợ đầu tư bao gồm các chủ trang trại sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh với mục tiêu chú trọng tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng quy mô lớn và chuỗi giá trị; tập trung chuyển giao và áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang tính đột phá và có khả năng lan tỏa mạnh như: tiến bộ kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất thâm canh tổng hợp, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm vào sản xuất, phù hợp với từng đối tượng cây trồng, vật nuôi, thủy sản và điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông sản, gắn với đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chương trình cũng tập trung nâng cao hiệu quả của công tác khuyến nông và huy động các nguồn lực nhằm từng bước chung tay thực hiện xã hội hóa công tác khuyến nông và tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện thành công Đề án "Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 -2025, tầm nhìn đến năm 2035” gắn với việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ngoài ra, Chương trình còn hướng đến mục tiêu góp phần để giá trị sản xuất nông lâm thủy sản của ngành nông nghiệp Vĩnh Long đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 2 - 2,5%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020- 2025.

Xây dựng những mô hình chuyển giao công nghệ thâm canh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh là một trong những nhiệm vụ mà Chương trình khuyến nông giai đoạn 2021-2025 đề ra

 

Nhiệm vụ cụ thể được đăt ra là, hàng năm xây dựng từ 55 – 70 mô hình chuyển giao công nghệ thâm canh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng GAP trong đó có trên 20-30 điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao; tổ chức 3 - 4 lớp tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho những người làm cộng tác viên khuyến nông cơ sở và nông dân chủ chốt; 7 - 10 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với 175 – 200 nông dân được huấn luyện tay nghề theo phương pháp lớp học hiện trường gắn với mô hình trình diễn; xây dựng và cộng tác với báo/đài phát sóng định kỳ 24 lần/năm các chuyên mục, chương trình khuyến nông về nông nghiệp nông thôn, kết hợp áp dụng các hình thức chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới thông qua truyền hình, internet; duy trì và nâng cấp tạp chí khuyến nông, bản tin khuyến nông thị trường; tổ chức và phối hợp tổ chức 05 - 07 diễn đàn khuyến nông địa phương và khu vực; Phát triển nâng cấp hoạt động tư vấn khuyến nông theo hướng dịch vụ phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, duy trì trung bình 20-30 kỳ hoạt động tư vấn khuyến nông theo hình thức tọa đàm và hội thảo chuyên đề khuyến nông và xây dựng mạng lưới với ít nhất 30 – 40 Câu lạc bộ Khuyến nông kiểu mới tại các xã/phường/thị trấn có hoạt động sản xuất nông nghiệp và có nhu cầu.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức triển khai chương trình đảm bảo kịp thời, hiệu quả và chất lượng. Hàng năm, chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan hướng dẫn lập kế hoạch nội dung chi tiết và dự toán kinh phí để phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh xem xét phân bổ kinh phí thực hiện; Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh theo quy định chức năng quản lý nhà nước về khuyến nông và quản lý, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, quyết toán theo quy định.

Mỹ Lộc

Trung tâm DVKTNN Vĩnh Long