Tại Hội nghị, ông Dương Ái Đạo - Phó trưởng phòng Nông Nghiệp & PTNT huyện Vũng Liêm đã báo cáo hiện trạng canh tác cam sành trên nền đất lúa tại huyện Vũng Liêm từ năm 2012 đến nay. Thông qua báo cáo đã đánh giá được kiểu canh tác cam sành trên nền đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao gấp 8 lần so với cây lúa mang lại, phù hợp với định hướng tái cơ cấu nghành nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên kiểu canh tác này cũng tồn tại những mặt hạn chế: Nông dân trồng cam sành tự phát không theo quy hoạch của địa phương làm cho cung vượt cầu, khiến thị trường không ổn định, giá cả bấp bênh. Mặt khác, cam sành chủ yếu bán cho thương lái mà chưa có công ty hay doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên thường bị thương lái ép giá; nông dân trồng cam sành trên nền đất lúa với mật độ quá dày (> 5000 cây/ha) làm cho dịch hại dễ phát sinh và không bền vững (chỉ canh tác 3 – 5 năm).

Hội nghị cũng đưa ra một số định hướng để vận động tuyên truyền đó là: canh tác cam sành theo hướng nâng cao chất lượng và an toàn theo VietGAP; thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết bền vững với doanh nghiệp… Bên cạnh đó, đề xuất hướng bố trí cơ cấu cây ăn quả trong vùng trồng cam sành trên đất lúa như: xoài (xoài cát núm, xanh Đài Loan,..), cây có múi (bưởi da xanh, quýt đường không hạt, cam sành không hạt, chanh không hạt, tắc,..), thanh long ruột đỏ, dừa (dừa dâu, dừa xiêm); có thể trồng mãng cầu Thái, ổi lê Đài Loan hoặc một số loại rau màu (rau thập tự, bầu bí, đậu nành rau, đậu xanh,..) nhằm lấy ngắn nuôi dài, giúp nhà vườn có thêm thu nhập.

Tại Hội nghị, một số giải pháp phát triển cây ăn trái bền vững cho vùng sản xuất cam sành trên đất lúa được đưa ra, đó là trồng cam sành theo quy hoạch của địa phương; cần có chính sách từ dự án, mô hình về cây giống và vật tư nông nghiệp; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, chứng nhận VietGAP, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, tín dụng ưu đãi, hoàn thiện hạ tầng (thủy lợi, giao thông). Cần tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã để hình thành một vùng nguyên liệu đảm bảo diện tích và quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GAP để liên kết với doanh nghiệp đầu tư được chặt chẽ lâu dài. Chuyển giao tập huấn khoa học kỹ thuật trên cây cam sành. Thiết kế vườn trồng cho hợp lý về mật độ, bố trí mương líp. Quản lý chất lượng về cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm trái cây trước khi tiêu thụ trên thị trường; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau khi sử dụng  theo đúng quy định. Ký cam kết sản xuất nông sản an toàn đối với người trực tiếp sản xuất.

Thông qua Hội nghị, các đại biểu cũng góp ý và kiến nghị các ban ngành có những định hướng để cam sành trồng trên đất lúa được nâng cao chất lượng và ổn định bền vững, giúp cho nhà vườn có thu nhập cao và an tâm sản xuất.

Tô Huỳnh Như

Trạm Trồng Trọt & BVTV huyện Vũng Liêm