Tỷ lệ người tham gia lao động trong ngành nông nghiệp chiếm rất cao (84,6%) nhưng đa phần kỹ năng tay nghề của họ còn thấp, sản xuất theo kinh nghiệm nên tốn nhiều chi phí, hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó, đào tạo nghề cho nông dân là cơ hội nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng suất, sản lượng và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Trong năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã tổ chức thực hiện 15 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ trên 272 triệu đồng. Kết quả, 371 lao động nông thôn tham gia học được công nhận hoàn thành khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ nghề. Trong đó phần lớn là đối tượng 3 (lao động nông thôn khác - 256 người).


Để đạt được được kết quả như trên là nhờ có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông với các ban ngành, đoàn thể ở các xã, phường trên địa bàn mở lớp. Đặc biệt, với lòng nhiệt tình trong công việc của đội ngũ cán bộ khuyến nông và khuyến nông viên cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề. Ngoài ra, các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp với các chuyên đề học thực tế, cách thức tổ chức lưu động, linh hoạt về thời gian và địa điểm đã đáp ứng nhu cầu của học viên. Trong đào tạo, các cán bộ chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật cho học viên theo hướng cầm tay chỉ việc, lý thuyết gắn với thực hành (chủ yếu dạy thực hành) tại mô hình thực hành của lớp, tại các mô hình nuôi của hộ nông dân,… Các học viên tự do thảo luận, trao đổi kinh nghiệm với các cán bộ giảng dạy giúp cho học viên tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo nên mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất theo nghề được đào tạo theo hướng giảm chi phí, tăng năng suất; tạo việc làm và tự tạo việc làm tại chỗ để tăng thu nhập cho gia đình.

Bước chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp hiện nay là số lao động nữ tham gia học nghề ngày càng tăng và hiệu quả từ các mô hình thực tập tại lớp học.

Kết thúc khóa đào tạo các học viên tự thành lập tổ, nhóm hợp tác sản xuất trong chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng lúa năng suất cao, trồng cam,... nhằm phát triển nghề đã học theo hướng giảm chi phí, tăng năng suất và tạo cầu nối để bà con giao lưu, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt truyền nghề lại cho những nông dân khác trong xã chưa tham gia khóa đào tạo nghề. Nhờ vậy nông dân cùng làm giàu, xóa đói giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập.

Từ các học viên được đào tạo đã giúp thay đổi nhận thức của bà con trong việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Điển hình như đối với nghề trồng lúa thì sử dụng giống chất lượng cấp nguyên chủng hoặc xác nhận, áp dụng phương pháp sạ hàng nhằm tiết kiệm giống; áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp IPM, ba giảm ba tăng, một phải năm giảm,… nhằm giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết. Đối với nhóm nghề chăn nuôi gia súc gia cầm thì bà con nông dân đã chuyển phương thức chăn nuôi kiểu truyền thống sang nuôi trên đệm lót sinh học giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn như trang thiết bị phục vụ giảng dạy còn thiếu, cán bộ giảng dạy kiêm nhiệm nên việc tổ chức lớp còn hạn chế. Lao động nông thôn tham gia học nghề nông nghiệp trình độ học vấn không đồng đều nên việc tiếp thu kiến thức chưa đồng đều, ảnh hưởng chất lượng chung của lớp cùng với tâm lý nghề nông nghiệp không học cũng làm được, sợ không có vốn đầu tư sau học nghề, giá cả các sản phẩm nông nghiệp bấp bênh,... đã làm hạn chế sự tham gia, nhiệt tình của người có nhu cầu học tập.

Để hoạt động Đào tạo nghề nông nghiệp của tỉnh hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo, Ban chỉ đạo thực hiện Đề án các cấp cần phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Hoạt động đào tạo nghề rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực hơn nữa của tổ triển khai thực hiện đề án cấp xã, phường, thị trấn và các tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương,… trong việc tuyên truyền sâu rộng các nội dung và chính sách hỗ trợ của Đề án 1956 đến đông đảo lao động nông thôn để họ hiểu rõ các cơ chế chính sách gắn với quyền và nghĩa vụ của mình, lựa chọn những người có nhu cầu thật sự về nghề đào tạo, tăng cường công tác tư vấn học nghề và hướng dẫn cho người dân tự tạo việc làm tại địa phương nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của lao động có tay nghề cao, nhất là trong điều kiện khoa học kỹ thuật, công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay. Bên cạnh đó, cán bộ giảng dạy phải thường xuyên cập nhật giáo trình, tích cực học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn về nghề và kỹ năng thực hành nghề, luôn linh hoạt trong khi truyền đạt để có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của tất cả học viên. Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo Đề án, cơ quan quản lý cần tăng cường hoạt động kiểm tra để kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn trong quá trình tổ chức của các cơ sở đào tạo,….

Huỳnh Diệu Hiền

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long