Tại Vũng Liêm, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với UBND xã Hiếu Thuận và xã Trung Nghĩa thực hiện trình diễn 2 điểm mô hình quy mô 53,1 ha trong vụ Hè Thu 2020, với 71 hộ tham gia. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí về giống, 30% chi phí vật tư thiết yếu (phân bón), 100% chi phí tập huấn về kỹ thuật và 100% chi phí hội thảo đánh giá mô hình; hộ tham gia mô hình đối ứng phần còn lại.

Nông dân tham gia mô hình được tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh đồng bộ, 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác và hiệu quả trong sản xuất lúa góp phần giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng mật độ gieo sạ 60 kg hạt giống lúa/ha. Trong đó nhấn mạnh các chuyên đề sâu hơn liên quan đến việc áp dụng phương pháp sạ lúa theo khóm như: lợi ích việc sử dụng giống xác nhận (giống lúa được sử dụng OM5451, OM4900 và OM18); kỹ thuật xử lý rơm rạ; chuẩn bị đất kỹ, san phẳng mặt ruộng, tạo rãnh thoát nước; kỹ thuật xử lý hạt giống, ngâm ủ giống; công tác quản lý nước giai đoạn đầu; quản lý cỏ dại; quản lý ốc bươu vàng và một số đối tượng gây hại lúa ở giai đoạn đầu; quản lý sâu bệnh hại theo hướng IPM và sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”,...

Lúa trong mô hình giai đoạn đẻ nhánh

 

Qua tổng kết mô hình cho thấy, lượng giống được sử dụng giảm hơn so với ruộng ngoài mô hình 120kg/ha (ngoài mô hình sạ 180kg/ha), lượng phân bón ruộng trong mô hình giảm hơn so với ruộng ngoài mô hình (phân đạm giảm 26,7kg/ha, phân lân giảm 26,5kg/ha). Nông dân trong mô hình đã thực hiện bón phân cân đối NPK hợp lý, không bón thừa phân đạm, giảm lượng phân đạm nên hạn chế sâu bệnh giảm được 2 lần phun thuốc BVTV, sử dụng phân hữu cơ, phân lân super bón lót giúp cho bộ rễ lúa phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu cho cây, phân kali bón giai đoạn đầu giúp hạn chế sự đỗ ngã.

Về hiệu quả kinh tế (tính cho 01 ha), năng suất lúa trong mô hình đạt 6,2 tấn, cao hơn ngoài mô hình 0,2 tấn; do việc sản xuất trong mô hình giảm được lượng phân bón, thuốc BVTV và phun xịt nên chí phí thấp hơn so với ngoài mô hình 2.710.000 đồng (trong mô hình chi phí 17.780.000 đồng, ngoài mô hình 20.490.000 đồng), giá bán 5.500 đồng/kg lúa tươi, tổng thu trong mô hình 32.860.000 đồng, ngoài mô hình 31.800.000 đồng. Lợi nhuận đạt được trong mô hình 15.080.000 đồng cao hơn so với ngoài mô hình 3.770.000 đồng.

Cánh đồng lúa sạ khóm tại huyện Vũng Liêm

 

Do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên tiết kiệm được lượng nước tưới, tiết kiệm lượng giống, giảm lượng thuốc BVTV, giảm phân bón nhất là phân đạm đã góp phần bảo vệ môi trường. Dự án đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các giống lúa chất lượng và tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất lúa, trang bị kiến thức sản xuất lúa theo hướng đạt năng suất, chất lượng, ổn định và bền vững giúp người dân ứng dụng vào sản xuất ngày hiệu quả hơn. Mô hình đã được nhiều nông dân trong tỉnh tham dự đánh giá cao, qua đó, người dân thấy rõ hiệu quả của áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ đã làm giảm công lao động, giảm mật độ gieo trồng trong sản xuất lúa. Đồng thời, đây là điều kiện thuận lợi giúp người dân nhân rộng mô hình và tạo thêm dịch vụ sạ lúa theo khóm trong sản xuất lúa trong thời gian tới ngày càng phổ biến hơn./.

Phan Mai A Đam

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long