Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng vùng sản xuất cây củ cải trắng đạt tiêu chuẩn VietGAP” do phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Mang Thít đầu tư, được thực hiện tại ấp Long Hòa 2 xã Long Mỹ với diện tích 10 ha có 23 hộ dân tham gia thực hiện. Các hộ nông dân trong dự án được Nhà nước hỗ trợ không thu hồi 100% chi phí mua giống, chi phí khảo sát, chi phí triển khai, quản lý dự án, chi phí tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hội thảo, chi phí tư vấn - chứng nhận VietGAP và 30% chi phí mua vật tư thiết yếu...

Với mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển vùng sản xuất thâm canh cây củ cải trắng theo hướng an toàn và bền vững, quản lý tốt sâu bệnh hại, đạt năng suất chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; đơn vị thực hiện dự án đã hỗ trợ và hướng dẫn cho bà con nông dân trong mô hình từ các buổi tập huấn hướng dẫn các yêu cầu tiêu chuẩn sản xuất theo hướng VietGAP đến đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất; hỗ trợ lấy và kiểm nghiệm các mẫu đất, mẫu nước, mẫu củ cải….

Sau 5 tháng thực hiện tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ củ cải trắng Long Mỹ đã được Trung tâm Chất Lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 6 cấp giấy chứng nhận sản xuất củ cải đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chứng nhận có hiệu lực trong hai năm kể từ ngày 11/01/2018. Trong quá trình tư vấn, đánh giá chứng nhận VietGAP, tổ hợp tác đã được các chuyên gia của Trung tâm Chất Lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 6 tư vấn và cung cấp những kiến thức cơ bản về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, các yêu cầu về phương thức sản xuất theo VietGAP, hướng dẫn ghi chép hồ sơ, ghi chép các biểu mẫu tại cơ sở, sửa đổi, bổ sung các phần, các hạng mục mà cơ sở còn thiếu hoặc chưa đáp ứng theo yêu cầu.

Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ củ cải trắng Long Mỹ nhận giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP

Tại hội nghị bà con nông dân và chính quyền địa phương rất vui và phấn khởi khi được cấp giấy chứng nhận. Từ hiệu quả bước đầu của mô hình, bà con nông dân mong muốn sau khi kết thúc mô hình các hộ tham gia cần tiếp tục thực hiện và mở rộng quy mô, thường xuyên trao đổi, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ trồng củ cải trắng trong xã thực hiện để dần trở thành vùng sản xuất hàng hóa, cung cấp sản phẩm sạch, an toàn giúp bà con nông dân tăng hiệu quả kinh tế và phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng thể hiện mong muốn được sự quan tâm hơn nữa của các ngành chức năng trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng như biện pháp giúp ổn định giá cả các mặt hàng nông sản hiện nay để bà con nông dân an tâm hơn trong sản xuất, từng bước góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Linh Phương