Mô hình được triển khai tại 2 vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh là Trà Ôn, Vũng Liêm với tổng cộng 35 ha. Áp dụng kỹ thuật mới của mô hình, toàn bộ diện tích ruộng được sạ theo khóm với lượng giống 60 kg/ha, tương đương với mật độ trong mô hình lúa cấy, giảm so sạ hàng bằng công cụ kéo tay mà bà con đang thực hiện. Nông dân hợp đồng với 02 chủ máy sạ khóm ở huyện Vũng Liêm để làm dịch vụ sạ thuê cho cả mô hình, giá thỏa thuận tùy điều kiện từ 1,4-1,5 triệu đồng/ha. Gieo sạ mật độ thấp dưới 100 kg/ha không phải là vấn đề mới lạ đối với nông dân vì các mô hình sản xuất lúa giống bằng phương pháp cấy (cấy tay, cấy máy), sản xuất lúa lương thực bằng công cụ sạ thưa theo hàng đã và đang được ứng dụng; nhưng sạ khóm bằng máy thì đây là lần đầu tiếp nhận. Do đó, nông dân rất quan tâm, theo dõi để đánh giá tính phù hợp của kỹ thuật này.

Chú Ba Miên, người được xem là Trưởng nhóm nông dân làm mô hình ở xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm nhận xét, sạ theo khóm thể hiện ưu điểm: nông dân được giải phóng sức lao động; năng suất sạ của máy cao, thực tế ở vụ trình diễn là gần 6 ha/ngày; khắc phục hạn chế của phương pháp sạ thưa theo hàng bằng công cụ kéo tay, đó là hạt lúa giống được bung ra, rải đều hơn nên cây lúa nảy chồi tốt hơn, sớm hơn, đều hơn. Về chi phí, ứng dụng sạ khóm giảm được lượng giống sạ, tùy mức độ sạ hàng mà lượng giống giảm được khác nhau. Đồng thời, chú Ba Miên cho biết thêm, do máy sạ khóm có gắn dụng cụ tran bằng ruộng nên nông dân sẽ giảm thêm một lần chi phí trục. Nếu tính chung lại, chi phí sạ khóm gần tương đương đến ít hơn so sạ hàng bằng công cụ. Tuy chưa thu hoạch, nhưng qua đánh giá trà lúa, năng suất lúa trong mô hình sạ khóm có thể đạt 8 tấn lúa tươi/ha, từ bằng đến cao hơn lúa sạ hàng, cao hơn các trà lúa sạ lan cùng cánh đồng.

Chú Ba Miên trên ruộng lúa sạ khóm của gia đình vụ ĐX 2019-2020

Được đánh giá là phù hợp, có hiệu quả, song hiện tại, việc ứng dụng nhân rộng mô hình sẽ bị hạn chế do nhiều nguyên nhân: Diện tích đất canh tác/hộ thường ít, muốn áp dụng phải có sự hợp tác giữa các hộ để có diện tích đủ lớn cho việc hợp đồng thuê dịch vụ sạ; số lượng máy sạ khóm hiện rất ít nên không thể đáp ứng nhu cầu cho nhiều cánh đồng nếu xuống giống cùng thời điểm.

Để góp phần nhân rộng mô hình, trong năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long có kế hoạch triển khai tiếp dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa thâm canh và ứng dụng cơ giới trong khâu gieo sạ”. Đồng thời sẽ triển khai dự án khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình ứng dụng máy sạ theo khóm trong sản xuất lúa tại tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020-2022”. Theo đó, nhiều nơi, nhiều nông dân trồng lúa của tỉnh sẽ được tiếp cận một kỹ thuật sạ mới: sạ theo khóm. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hình thành thêm một dịch vụ cơ giới ở nông thôn, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng đồng bộ cơ giới vào quá trình sản xuất lúa ở địa phương.

                                                                                                Kim Huệ

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long