Hiệu quả sử dụng máy sản xuất nông nghiệp

Việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Máy vắt sữa bò không làm giảm sữa, không gây ô nhiễm vú bò, các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm, đồng thời giảm được thời gian và số lượng người lao động. Gia đình ông Hồ Văn Được ở thôn Khánh Nhi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường cho biết, khi sử dụng máy vắt sữa bò chất lượng được đảm bảo, một người sử dụng máy có  thể vắt được nhiều con trong cùng một lúc và rút ngắn được thời gian vắt sữa, 1 giờ vắt sữa bằng máy bằng 3 người vắt sữa thành thạo, hiệu quả kinh tế cao hơn so với vắt tay thủ công gần 70 nghìn đồng/giờ.

Máy nghiền trộn thức ăn trong chăn nuôi, thức ăn được chế biến cân đối về dinh dưỡng, hàm lượng protein và giảm chi phí từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg thức ăn so với thức ăn được bán ngoài thị trường. Tại gia đình ông Đỗ Văn Thành, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc hiện đang nuôi 60 con lợn nái và trên 300 lợn thịt, mỗi ngày tiêu thụ hết 400 - 500kg cám. Bằng việc sử dụng máy nghiền trộn để tự phối trộn, mỗi kg cám ông đang tiết kiệm được 1000 đồng/kg, tính ra hiện nay mỗi tháng nhà ông đang tiết kiệm được khoảng 15 triệu tiền cám cho lợn so với những hộ phải mua cám ở ngoài thị trường. Đó cũng chính lý do mà các trại lợn sử dụng máy nghiền trộn để tự chế biến thức ăn cho lợn vẫn duy trì được đàn lợn của gia đình qua giai đoạn lợn xuống thấp như hiện nay.

Ngoài ra, các hộ gia đình sử dụng máy thái cỏ giúp cho thức ăn được làm nhỏ, mềm để cho gia súc tiêu hóa tốt hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn làm thủ công hơn 120.000 đồng/giờ;

Máy làm đất có công dụng xới đất, lên luống, đánh cỏ, làm đất, rạch rãnh cho các loại cây trồng như lúa, ngô, rau màu,… giúp cho bà con nông dân giảm sức lao động và tăng năng suất lao động được gần 2,5 triệu đồng/ha so với lao động thủ công.

Máy làm đất công dụng phay đất làm cho đất được nhuyễn, giúp cho bà con nông dân dân giảm được công lao động do không phải trực tiếp cày bừa thủ công, giảm được chi phí làm đất từ 80.000 đến 100.000 đồng/sào.

Máy cấy giúp cho quần thể ruộng lúa được cấy thẳng hàng, mật độ ổn định, giúp cho cây lúa đều nhận được ánh sáng, sinh trưởng phát triển tốt hơn và giảm được sâu bệnh từ đó cho năng suất cao hơn 2,7 triệu đến 3,4 triệu đồng/ha so với phương pháp cây lúa thông thường.

Máy gặt đập liên hợp làm giảm chi phí thu hoạch từ 100.000 đến 150.000 đồng/sào, giảm công lao động nặng nhọc, ngoài ra còn giúp bà con nông dân thu hoạch kịp thời vụ để triển khai vụ tiếp theo.

Ứng dụng cơ giới hóa giúp nâng cao năng suất

Tiếp tục đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Từ những kết quả đã đạt được, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Vĩnh Phúc đã được UBND tỉnh cấp hơn 10 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ mua máy nông nghiệp gồm: 02 máy làm đất trên 35 mã lực, 400 máy làm đất công suất từ 15 - 35 mã lực, 291 máy lên luống, 04 máy cấy sáu hàng, 13 máy gặt đập liên hợp, 19 máy nghiền trộn thức ăn chăn nuôi, 10 máy thái cỏ, 11 máy vắt sữa bò.

Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Vĩnh Phúc đã phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền đến các hộ có nhu cầu mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp đăng ký và tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho bà con nông dân có nhu cầu.

Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh không chỉ giải bài toán về thiếu lao động, giảm chi phí trong sản xuất mà còn giúp cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong tỉnh xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Trong thời gian tới, tỉnh tăng cường đưa máy cày công suất lớn, máy gieo hạt, máy cấy, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất nhằm đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp./.

Nguyễn Mạnh Hà

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Vĩnh Phúc