Dồn điền, đổi thửa

Nhằm tạo ra các cánh đồng lớn, thửa ruộng lớn bằng phẳng, đồng nhất, có hệ thống bờ vùng, bờ thửa, hệ thống tưởi tiêu khoa học, hợp lý, thuận tiện cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch; UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch số 9487/KH-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2016 về việc thực hiện dồn thửa đổi ruộng trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, việc dồn ghép ruộng đất cần được thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của người được giao sử dụng đất; đồng thời không để xảy ra các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng, giữ nguyên số khẩu và diện tích giao cho mỗi khẩu ở thời điểm 15/10/1993. Sau khi dồn thửa đổi ruộng, mỗi hộ sẽ còn 1 thửa đến 2 thửa, thửa nào cũng liền bờ lớn, mương để đưa cơ giới hóa, tưới tiêu thuận lợi vào đồng ruộng.   Từ tháng 10 năm 2016 đến hết tháng 12 năm 2017 sẽ thực hiện thí điểm tại 02 xã Ngũ Kiên, Cao Đại của huyện Vĩnh Tường. Ngoài ra, UBND huyện Vĩnh Tường đăng ký thực hiện thêm 05 xã là Việt Xuân, Đại Đồng, Phúc Thịnh, Vũ Di và Tuân Chính. Từ năm 2017 đến năm 2020 sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh đối với các đơn vị có nhu cầu đăng ký thực hiện.

Hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp

Năm 2016 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành chính sách hỗ trợ 1 lần mức 50% (không quá 75 triệu đồng) chi phí mua mới máy sản xuất nông nghiệp cho người sản xuất và giao Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai chương trình này. Số lượng máy đã hỗ trợ 215 máy, trong đó 60/60 máy lên luống; 120/120 máy làm đất công suất dưới 35 mã lực; 8/18 máy vắt sữa bò; 5/5 máy gặt đập liên hợp; 2/50 máy thái cỏ; 11/55 máy nghiền trộn thức ăn cho gà, lợn; 3/5 máy làm đất công suất trên 35 mã lực; 1/1 máy cấy sáu hàng và 5/5 máy cấy 4 hàng.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Hiệu quả của việc sử dụng các loại máy như sau:

Máy vắt sữa bò không làm giảm sữa, không gây ô nhiễm vú bò, các yếu tố về vệ sinh an toàn thực phẩm được bảo đảm. Một người sử dụng máy có thể vắt được nhiều con trong cùng một lúc và rút ngắn được thời gian vắt sữa, 1 giờ vắt sữa bằng máy bằng 3 người vắt sữa thành thạo, hiệu quả kinh tế cao hơn so với vắt tay thủ công 68.900đồng/giờ;

Máy thái cỏ làm cho thức ăn được gọn, nhỏ, mềm giúp gia súc dễ ăn được nhiều, dễ ăn, công suất bằng 6 người thái cỏ bằng tay, hiệu quả kinh tế cao hơn làm thủ công 121.900đồng/giờ;

Máy nghiền trộn thức ăn cho lợn, gà làm cho thức ăn được chế biến cân đối dinh dưỡng, vật nuôi hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, giảm chi phí 1.100 đồng/kg thức ăn so với thức ăn mua ở các công ty chế biến thức ăn gia súc (đối với loại cùng hàm lượng dinh dưỡng);

Máy làm đất công dụng xới đất, lên luống, đánh cỏ, làm đất, phun thuốc trừ sâu, phân bón lá, rạch rãnh cho các loại cây trồng như lúa, ngô, rau màu...  Hiệu quả hơn làm thủ công 2.476.000 đồng/ha;

Máy cấy giúp cho quần thể cây lúa đều thẳng hàng, tiết kiệm được giống, đảm bảo mật độ theo ý muốn, hiệu quả kinh tế cao hơn cấy tay thủ công từ 2.741.000 - 3.403.810 đồng/ha;

Máy gặt đập liên hợp giúp giảm công lao động, khi thu hoạch lúa máy tự động đóng thành bao, kết hợp băm nhỏ rơm tại ruộng hoặc xếp rơm theo từng hàng, hiệu quả kinh tế cao hơn gặt bằng tay 4 triệu đồng/ha.

Từ những kết quả trên, năm  2017 Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đã phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện, thành, thị và UBND các xã, phường, thị trấn khảo sát nhu cầu sử dụng máy nông nghiệp để làm cơ sở trình UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ: 380 máy làm đất, 270 máy lên luống, 07 máy cấy 4 hàng, 01 máy cấy 6 hàng, 10 máy gặt đập liên hợp, 30 máy nghiền trộn thức ăn chăn nuôi, 20 máy thái cỏ, 11 máy vắt sữa. Hiện nay, việc hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp đang chờ UBND phê duyệt, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư sẽ phối hợp với các địa phương và Phòng Nông nghiệp & PTNT (Kinh tế) các huyện, thành, thị triển khai thực hiện khi được phê duyệt.

Đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh không chỉ giải bài toán về thiếu lao động, giảm chi phí trong sản xuất mà còn tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong tỉnh xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn. Trong thời gian tới, tăng cường đưa máy cày công suất lớn, máy gieo hạt, máy cấy, máy gặt đập liên hợp vào sản xuất nhằm đồng bộ từ khâu làm đất đến thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp./.

Phùng Thị Thu Hà

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Vĩnh Phúc