Tuy nhiên, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả chưa cao, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ nên thu nhập của người nông dân còn thấp, chưa ổn định.

Xuất phát từ thực trạng đó, ngày 10 tháng 6 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 992/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020.

Hiện thực hóa Đề án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho tỉnh xây dựng các Đề án về từng lĩnh vực, cây trồng, vật nuôi cụ thể, trong đó tập trung vào các cây, con thế mạnh, có tiềm năng phát triển, có lợi thế của tỉnh nhà. Theo đó tỉnh Yên Bái xây dựng 8 Đề án, gồm: (1) Đề án phát triển chăn nuôi; (2) Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản; (3) Đề án phát triển cây ăn quả có múi; (4) Đề án phát triển chè vùng cao; (5) Đề án phát triển ngô đông trên đất 2 vụ lúa; (6) Đề án phát triển cây quế; (7) Đề án phát triển cây măng tre Bát độ; (8) Đề án phát triển cây sơn tra.

Qua 1 năm thực hiện Đề án, các sản phẩm chủ lực được tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư phát triển và đạt kết quả bước đầu khá khả quan, tăng lên đáng kể cả về diện tích và quy mô, điển hình như:

1) Đề án phát triển chăn nuôi: các hộ dân đã đăng ký thực hiện 262 cơ sở/kế hoạch 81 cơ sở chăn nuôi trâu bò; 233 cơ sở/ kế hoạch 90 cơ sở chăn nuôi lợn; 56 cơ sở/kế hoạch 34 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Trung tâm Giống vật nuôi đã xây dựng 3 mô hình chăn nuôi bò BBB tại các huyện Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn.

2) Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản: các hộ dân đã đăng ký thực hiện 193 cơ sở/kế hoạch 76 cơ sở nuôi cá lồng; 45 cơ sở/kế hoạch 25 cơ sở nuôi cá eo ngách và chuyển đổi 20 ha đất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản.

3) Đề án phát triển cây ăn quả có múi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cùng Ủy ban nhân dân các huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau, quả) bàn về các giải pháp thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả có múi của tỉnh. Đến nay đã cung ứng giống cho 3 huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình trồng theo Đề án với diện tích là 594 ha/kế hoạch 400 ha. Việc chuẩn bị nguồn giống để chủ động sản xuất được quan tâm, các huyện đang tiến hành bình tuyển, xây dựng vườn ươm cây đầu dòng và vườn ươm nhân giống cây ăn quả tại chỗ ở các huyện.

4) Đề án phát triển cây quế: Toàn tỉnh đã trồng được 3.334 ha/1.100 ha theo kế hoạch trong sản xuất vụ Xuân, vượt 3 lần kế hoạch đề ra.

5) Đề án phát triển cây măng tre Bát độ: Toàn tỉnh đã trồng được 349,8 ha/500 ha theo kế hoạch. Diện tích chủ yếu tập trung tại huyện Trấn Yên, Lục Yên và Yên Bình.

6) Đề án phát triển cây sơn tra: Đã tổ chức gieo ươm 1,471 triệu cây giống (trong đó: huyện Mù Cang Chải 1,015 triệu cây, huyện Trạm Tấu 0,456 triệu cây) đảm bảo đủ số lượng cây giống cho kế hoạch trồng mới 550 ha theo kế hoạch đề án năm 2016.

Vườn ươm giống cây ăn quả có múi tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái

Xác định triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải gắn với quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đồng thời, ban hành Kế hoạch hành động và tuyên truyền, phổ biến trong toàn ngành. Thành lập Tổ điều chỉnh các quy hoạch ngành; Tổ xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; Tổ hướng dẫn xây dựng nông thôn mới; Tổ chỉ đạo thực hiện khảo nghiệm giống cây trồng; Tổ xây dựng đề án, phương án sắp xếp tổ chức, bộ máy của ngành để triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kết luận số 82 của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với ngành. Hiện nay, các Tổ đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tham mưu, xây dựng các văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Kết quả bước đầu của việc thực hiện Đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp đã giúp sản xuất nông nghiệp của Yên Bái chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai thực hiện các chính sách, mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh, huy động mọi nguồn lực, triển khai tích cực mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Phạm Thế Ánh

Trung tâm Khuyến nông Yên Bái