Qua khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, chương trình Biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực (CCAFS) đã phối hợp lựa chọn 3 thôn/ấp tại Việt Nam tham gia xây dựng mô hình làng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu. Trong đó thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là thôn đại diện cho khu vực miền Bắc tham gia dự án. Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc là một trong các đối tác địa phương của CCAFS tham gia với vai trò nghiên cứu, chuyển giao các thực hành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) tại thôn. 

Đúng như tên gọi của làng - làng nông Thuận Thiên đề cao sự hợp tác của cộng đồng trong áp dụng các giải pháp để phát triển nông nghiệp một cách hài hòa lâu dài với tự nhiên. Mô hình Làng nông Thuận Thiên được xây dựng và phát triển nhằm đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, tăng cường khả năng thích ứng và khả năng phục hồi đối với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đồng thời cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ điều kiện sản xuất thực tế của người dân, Dự án đã thành lập làm ba nhóm: nhóm ủ phân nuôi giun quế, nhóm vườn nhà và nhóm sắn cỏ để hỗ trợ nhau cùng hoạt động. Hoạt động nhóm sẽ được phối hợp bởi trưởng nhóm, các cuộc họp định kỳ (đặc biệt nhóm ủ phân nuôi giun quế) tổ chức để cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm giữa nông dân trong nhóm, lên kế hoạch tập thể để nhân rộng mô hình. Vai trò của các thành viên nhóm là khuyến khích những người dân khác thực hiện các hoạt động thông qua các kênh khác nhau và giảng viên chính là những nông dân sẽ được huy động để tập huấn cho nông dân.

Gia đình ông Hoàng Văn Toản là một trong những hộ tham gia dự án và được cán bộ dự án hướng dẫn về cách nuôi giun quế trong phân gia súc và phân chuồng động vật, rơm rạ và các vật liệu hữu cơ bản địa khác sử dụng chế phẩm vi sinh tự sản xuất (EM). Ông đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt về khả năng tăng trọng của đàn gà khi bổ sung giun quế vào thức ăn, không những chi phí thức ăn giảm mà đàn gà còn lớn nhanh hơn, ít gặp dịch bệnh. Việc ủ phân tươi bằng cách nuôi giun quế đã làm hạn chế không chỉ giúp giảm bớt mùi hôi thối khó chịu gây ra bởi phân tươi mà còn cung cấp nguồn thức ăn bổ dưỡng là những con giun quế cho gia cầm, sau đó phân của giun quế lại được sử dụng để làm nguồn phân bón cho cây trồng tạo ra một hệ thống canh tác không rác thải và khép kín, đảm bảo hạn chế ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn.

Gia đình ông Trần Thanh Long lại áp dụng đệm lót sinh học bằng mùn cưa, trấu trên diện tích nuôi gà của gia đình, đã hạn chế được ô nhiễm môi trường, giảm công lao động của người nông dân.

Cùng với đó, việc tận dụng trấu, mùn cưa đun yếm khí vừa tạo năng lượng phục vụ nhu cầu đun nấu hàng ngày lại cho thu được than sinh học. Khi sử dụng than sinh học bón cho cây trồng sẽ có tác dụng hấp thụ các chất ô nhiễm như kim loại và thuốc trừ sâu ngấm vào đất. Đặc biệt than sinh học có thành phần chủ yếu là cacbon, nên khả năng ngậm nước và dự trữ nước cực kì tốt, đặc tính này giúp ích rất nhiều trong việc giữ ẩm cho đất.

Là một trưởng thôn luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động của thôn và xã, nhưng cũng như bao người dân khác gia đình ông Nguyễn Văn Tám (trưởng thôn Mạ) vẫn sản xuất nông nghiệp theo phương thức cũ, việc chăn thả đàn gia súc của gia đình ông chủ yếu trên đảo hồ Thác Bà. Sau khi được Dự án cử đi tham quan học tập tại Phi-lip-pin, ông đã nhận thấy tầm quan trọng của việc nuôi gia súc theo hình thức nuôi nhốt. Được cán bộ Dự án hướng dẫn, ông tiến hành cải tạo 1 phần diện tích vườn nhà để trồng cỏ thức ăn cho gia súc, dê được nhốt an toàn trong chuồng nuôi và cho ăn bằng các loại cỏ bản địa.

Ông Tám chia sẻ: “Từ khi áp dụng nuôi nhốt, dê đã hạn chế bệnh tật do thời tiết, nhất là vào mùa mưa và những hôm nắng nóng bất thường. Nguồn phân dê lại được gia đình tôi ủ làm phân bón cho cây trồng nên không những hạn chế được ô nhiễm môi trường mà còn có nguồn phân bón cho cây ăn quả rất tốt”.

Chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhiều hoạt động cụ thể như: Dịch vụ dự báo thời tiết; Xây dựng Bảng thông tin đặt tại hội trường thôn; Một cụm loa mới được thêm vào hệ thống truyền thông; Hội thảo tập huấn Photovoice (Tiếng nói qua ảnh); Tổ chức các cuộc họp nhóm...  đã góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp người dân thôn Mạ cập nhật thông tin về dự án, cách thực hiện, giới thiệu các kỹ thuật  mới và các thông báo từ chính quyền địa. Qua đó, góp phần dần thay đổi nhận thức của người dân, thay các phương thức canh tác cũ theo lối mòn, lạc hậu bằng các phương thức canh tác thông minh. Đây cũng là cách những người nông dân thôn Mạ thể hiện trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

Có thể nói, bước đầu mô hình “Làng thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” đã tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại thôn Mạ nói riêng và xã Vĩnh Kiên nói chung. Hy vọng, mô hình mẫu lý tưởng này sẽ được nhân rộng trong nay mai, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, đồng thời đạt ba mục tiêu: an ninh lương thực, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu biến đổi khí hậu.     

Phạm Thị Thủy

Trung tâm Khuyến nông Yên Bái