Đây là bước ngoặt lớn giúp các hộ nông dân nơi đây có thương hiệu riêng để khẳng định với người tiêu dùng về sự đảm bảo nguồn gốc sản phẩm rau an toàn của mình.

Với rất nhiều khó khăn khi bắt đầu triển khai thực hiện như việc xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm nhà sơ chế, lắp đặt đường điện, bể chứa nước tưới, bể chứa nước trong nhà sơ chế, sửa chữa kênh mương… trong điều kiện kinh phí còn hẹn hẹp, Đảng ủy, chính quyền xã Tuy Lộc nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, tổ chức. Khó khăn hơn nữa là một số hộ dân chưa thực sự hiểu hết về ý nghĩa của đề án, không có lao động, một số hộ khác muốn sản xuất rau theo phương pháp cũ, ngại tiếp cận với cách làm mới nên tất cả các ban ngành đoàn thể từ cấp xã tới các chi hội thôn đều vào cuộc vận động người dân nâng cao nhận thức và tự nguyện đăng ký tham gia.

Đến nay tổ hợp tác sản xuất rau an toàn đã có 56 hộ tham gia, diện tích canh tác tập trung tại cánh đồng thôn Minh Long đạt gần 3,6 ha. Để thực hiện tốt các yêu cầu của Đề án sản xuất rau an toàn, tổ hợp tác thường xuyên nhận được sự quan tâm giúp đỡ của trạm khuyến nông, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật của thành phố chỉ đạo cán bộ chuyên môn, thường xuyên đồng hành cùng các hộ nông dân trên cánh đồng, với phương châm “cầm tay chỉ việc” từ việc vệ sinh đồng ruộng, khử trùng phơi ải đất tới việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn mà hiệu quả,  không lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo thời gian cách ly, tăng cường sử dụng các nguồn phân hữu cơ, tự sản xuất phân hữu cơ để giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm…. Điển hình đi đầu cho phong trào sản xuất rau an toàn là các hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Tĩnh với diện tích đăng ký tham gia trên 1.000 m2. Ông Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư mô hình nhà lưới rộng trên 500 m2, tự sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, nên ngay từ diện tích trồng đầu tiên đã thu hoạch được hơn 0,5 tấn rau xanh. Hay như ông Nguyễn Tiến Quyền hăng hái tham gia sản xuất với diện tích trên 2.000m2 và nhiều hộ khác nữa.

Tham gia tổ hợp tác, các hộ sản xuất rau an toàn tự mình sơ chế, đóng gói sản phẩm tại nhà sơ chế, có ghi rõ tên hộ sản xuất, địa chỉ sản xuất với sự giám sát của tổ trưởng và chính quyền địa phương, người sản xuất có quyền tự quyết việc bán sản phẩm đi đâu, cho ai và cam kết sẽ chịu trách nhiệm về sản phẩm rau an toàn của mình. Từ đó, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về nguồn gốc sản phẩm.

Hiện nay có nhiều chủng loại rau đã, đang và sắp cho thu hoạch như bắp cải, súp lơ, su hào, đỗ cô-ve, cải ngọt, cải ngồng, rau mùi, bí đỏ, su su, cà chua…. Người tiêu dùng có thể đến tham quan vùng sản xuất và sơ chế rau an toàn, tìm hiểu quá trình sản xuất của từng hộ thông qua sổ nhật ký sản xuất rau và phỏng vấn trực tiếp người sản xuất.

Mỗi bước đi đều khó khăn, để chuyển đổi thành công phương thức sản xuất cho cả một tập thể là cả một quá trình, đòi hỏi sự nỗ lực tất cả ban ngành đoàn thể, các đơn vị liên quan. Nhưng quan trọng nhất vẫn là người nông dân, phải tự đứng trên đôi chân của mình và cũng cần có sự ủng hộ của người tiêu dùng góp phần trong việc quyết định đến sự chuyển đổi từ sản xuất lạc hậu, manh mún sang phương thức canh tác tiến tiến. Hơn bao giờ hết, lúc này đây người tiêu dùng hãy cùng góp phần thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển bằng cách lựa chọn những sản phẩm an toàn cho mình./.

Trần Thị Thanh

Trạm khuyến nông thành phố Yên Bái