Việc trồng rau hiện nay vẫn mang tính tự phát là chính, việc quản lý chất lượng rau trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó mô hình gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo liên kết chuỗi giá trị đang được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm khuyến khích.

Năm 2016-2017 Thành ủy đã có chủ trương và chỉ đạo xây dựng “Đề án sản xuất rau an toàn” tại 03 xã: Âu Lâu, Tuy Lộc và xã Văn Phú - thành phố Yên Bái với diện tích 9 ha, trong đó 0,4 ha rau trong nhà lưới và 8,6 ha rau ngoài trời, nhằm tạo sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khoẻ, cải thiện môi trường sinh thái đồng thời giúp nông dân nâng cao thu nhập từ trồng rau, tạo đòn bẩy để thành phố hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững.

Để triển khai Đề án, UBND Thành phố chủ động phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, Trung tâm y tế thành phố, UBND các xã Tuy Lộc, Âu Lâu, Văn Phú hoàn thành tốt các điều kiện phục vụ cho sản xuất rau an toàn như: lựa chọn khu vực thực hiện Đề án, chọn mẫu đất, mẫu nước đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất, tổ chức kiểm tra sức khỏe cho người sản xuất... Đồng thời chỉ đạo các xã trong đề án triển khai công tác tuyên truyền cho nhân dân nhất là các hộ chuyên trồng rau, thành lập các Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Chỉ đạo việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất như: lắp đặt hệ thống tưới, khu sơ chế đóng gói sản phẩm, hệ thống thu gom rác thải, xây dựng quầy bán lẻ sản phẩm rau…

Được mệnh danh là 1 trong những vựa rau cung cấp cho thị trường thành phố Yên Bái, song thực tế trước đây người nông dân xã Tuy Lộc vẫn sản xuất rau màu theo kiểu mạnh ai nấy làm, việc trồng rau bị ảnh hưởng nhiều bởi nỗi lo “được mùa, mất giá” và tâm lý khi giá cao thì thi nhau trồng, khi rớt giá thì phá bỏ. Xác định rõ những tồn tại trên, vài năm trở lại đây, đảng ủy chính quyền xã Tuy Lộc đã triển khai vận động nhân dân thực hiện nhiều giải pháp nhằm quy hoạch vùng rau an toàn. Đặc biệt kể từ khi Đề án sản xuất rau an toàn của thành phố được triển khai, xã Tuy Lộc đã lựa chọn thôn Minh Long làm điểm với sự tham gia của 56 hộ trên diện tích là 3ha. Để sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn, xã đặc biệt chú trọng đến công tác tập huấn cho nông dân về kỹ thuật và các nguyên tắc trồng rau an toàn, đồng thời hỗ trợ nông dân 1 phần về phân bón, giống cây trồng vì thế mà sản lượng rau khá cao.

Với những hộ dân tham gia đề án, tất cả các khâu từ khâu làm đất, lựa chọn cây giống phù hợp cho tới kỹ thuật chăm sóc từng loại cây đều được bà con thực hiện một cách khoa học theo đúng tiêu chuẩn mà đề án đã đề ra. Người dân xã Tuy Lộc đã và đang ngày một thay đổi tư duy trong việc sản xuất rau an toàn, vừa tăng năng suất vừa đảm bảo về chất lượng

Hiện nay Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Minh Long, xã Tuy Lộc đã được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. UBND xã cùng với tổ hợp tác đã chủ động mở quầy bán lẻ sản phẩm rau do tổ hợp tác sản xuất tại số nhà 102, đường Hoàng Hoa Thám, P. Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái với phương thức tổ trưởng của tổ sản xuất đứng ra lấy rau và bán lẻ tại quầy với giá bán cao hơn từ 1.000 -2.000 đồng/kg so với giá thị trường. Đến cuối tháng 2 năm 2017 tổ hợp tác mở thêm 01 quầy giới thiệu và cung ứng sản phẩm rau tại tổ 18 - P.Yên Ninh - TP. Yên Bái.

Khu sơ chế rau an toàn thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái

Cũng giống như xã Tuy Lộc, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái bắt đầu triển khai dự án trồng rau an toàn từ vụ hè thu năm 2016 với 25 hộ tham gia, tổng diện tích trồng gần 1,5 ha bao gồm các loại rau như: bắp cải, bí đỏ, cải cúc, đỗ cô-ve, dưa chuột…

Theo tiêu chuẩn rau an toàn là rau được sản xuất với quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn, sản phẩm đến người tiêu dùng không gây độc hại, với các chỉ tiêu an toàn cơ bản như: an toàn về dư lượng thuốc BVTV, an toàn về vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh cho người, không trồng rau trên vùng đất ô nhiễm, không dùng phân tươi, nước giải tưới cho rau, đảm bảo thời gian cách ly của từng loại thuốc BVTV… Để đạt được các tiêu chuẩn trên, ngay từ những vụ đầu tiên, nguyên tắc trồng rau được các nhóm hộ trong xã đưa ra là trồng cùng thời điểm, cùng cây giống, cùng chăm sóc theo đúng kỹ thuật và cùng sử dụng các chế phẩm men vi sinh để bón cho cây. Đồng thời các cán bộ khuyến nông thường xuyên trực tiếp xuống tư vấn kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn phát sinh về sâu bệnh hại để vùng rau đạt năng suất, chất lượng cao.

Dự án Trồng rau an toàn tại thành phố Yên Bái được triển khai tại 3 xã Tuy Lộc, Văn Phú và Âu Lâu với diện tích 9 ha. Trong đó diện tích trồng trong nhà lưới là 0,4 ha, diện tích trồng ngoài trời là 8,6 ha. Qua triển khai cho thấy, với việc thực hiện đúng các tiêu chuẩn mà đề án đưa ra, năng suất trung bình của cả 3 vụ đạt 16 tấn/ha/vụ. Đây là một đề án mới được triển khai do vậy sự đồng lòng của bà con nhân dân là điều hết sức quan trọng để làm nên thành công của dự án. Các sản phẩm rau an toàn nằm trong diện tích thực hiện đề án đều được Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận rau an toàn trước khi bán ra thị trường. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân sẽ giúp hóa giải bài toán cung – cầu giữa người tiêu dùng và người nông dân cũng như giải quyết được cái khó về đầu ra cho sản phẩm. Từ đó, tạo thị trường ổn định để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất rau an toàn.

Hiện nay các hộ dân của tổ hợp tác đang tập trung chuẩn bị làm đất để trồng rau vụ xuân hè. Tổng diện tích đăng ký trồng rau của xã Âu Lâu là 1,25ha với 18 hộ tham gia, xã Tuy Lộc 2,6 ha với 45 hộ tham gia, xã Văn Phú 1,59 ha với 22 hộ tham gia. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và kết quả triển khai đề án năm 2016, Thành uỷ Yên Bái sẵn sàng hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các địa phương, doanh nghiệp và chủ cơ sở để mở rộng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ rau màu, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các hộ sản xuất rau an toàn hiện quy mô hoạt động còn rất manh mún, chưa có bàn tay quản lý đúng tầm của Nhà nước, thậm chí không thể chi phối quy trình sản xuất và tiêu thụ ở các hộ trồng rau, lượng rau sản xuất ra ngoài doanh nghiệp tư nhân Thành Nam tiêu thụ thì phần lớn bà con vẫn bán lẻ manh mún tại các quầy hàng do tổ hợp tác mở ra và tại các chợ trên địa bàn thành phố, nguồn gốc và chất lượng rau vẫn chưa được đại đa số người dân biết đến. Trong khi Thành uỷ cũng có ý thức và nỗ lực quan tâm sản xuất kinh doanh rau an toàn, nhưng việc giám sát chặt chẽ mức độ sản phẩm rau an toàn còn hạn chế.

Vấn đề đặt ra hiện nay các cấp ngành cần phải có cơ chế chính sách quản lý hữu hiệu hơn, mặc dù đã duy trì sản xuất rất tốt, nhưng vấn đề phải tìm kiếm đầu ra ổn định. Để tháo gỡ vấn đề nan giải này, Thành ủy cần chủ động hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn, để đạt tới cái đích cuối cùng vì lợi ích người dân trồng rau và lợi ích to lớn của toàn xã hội đang nói không với thực phẩm bẩn. Đây là một hướng đi đúng, nhưng khó, bởi cần phải hội tụ tất cả những yếu tố cần và đủ, như cơ sở vật chất, trình độ nhân lực và cả bề dày kinh nghiệm của những người đứng đầu từ cấp Trung ương đến địa phương.

Nguyễn Thị Xuân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái