Qua nhiều năm thực hiện, việc trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện Trấn Yên đã có sự thay đổi cả chất và lượng. Diện tích dâu, sản lượng kén tằm tăng bền vững theo từng năm. Trấn Yên đã hình thành được làng nghề ở các địa phương. Tỷ lệ hộ khá và giàu của người làm nghề trồng dâu nuôi tằm tăng nhanh hơn so với các nghề khác tại địa phương.

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên không còn cảnh nong, né nằm la liệt như ngày trước. Thay vào đó người dân đã xây dựng các tổ hợp nuôi tằm con trên khay nhựa, nuôi tằm tuổi 4 tuổi 5 trên nền xi măng, lên né bằng né gỗ… Qua đó giúp giảm chi phí, công lao động, tăng số lượng tằm nuôi trên một đơn vị diện tích nhà tằm, dễ phòng trừ bệnh và tăng năng suất, chất lượng kén.

Bà Nguyễn Thị Hoàn – thành viên Tổ hợp nuôi tằm thôn Trúc Đình xã Việt Thành chia sẻ: “Trước kia kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm của người dân còn lạc hậu khi chỉ nuôi 1 giai đoạn. Bây giờ chúng tôi nuôi được 2 giai đoạn với công nghệ nuôi tằm dưới nền nhà đem hiệu quả hơn so với nuôi tằm trên nong. Ngoài ra, kỹ thuật thu hoạch kén bằng né tre truyền thống đã được thay đổi theo thu hoạch bằng né gỗ ô vuông công nghệ mới cho năng suất cao hơn”.

Đặc biệt, trong thời gian qua để mở rộng diện tích trồng dâu, các địa phương đã chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dâu, mở rộng vùng trồng dâu sang các bãi bồi ven sông, suối và những đồi thấp và lựa chọn các giống dâu vào trồng phù hợp với từng vùng, từng chất đất. Đến nay, diện tích dâu của huyện là 395 ha, trong đó có 270 ha đang cho thu hái.

Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng được người trồng dâu nuôi tằm quan tâm chú trọng. Hiện đã thành lập được một số tổ hợp tác tại các xã trọng điểm trồng dâu nuôi tằm như: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, Đào Thịnh. Sản lượng kén tằm năm 2018 đạt trên 500 tấn, giá trị thu nhập hơn 60 tỷ đồng. Chính vì vậy đã nâng mức thu nhập bình quân của việc trồng dâu nuôi tằm đạt 220 - 250 triệu đồng/ha/ năm, trừ chi phí đầu tư và công lao động cho thu lãi từ 90 - 100 triệu đồng/ha, từ đó góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ nông dân trong vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tham quan mô hình né tằm gỗ ô vuông ở Việt Thành

Để trồng dâu nuôi tằm ngày một phát huy hiệu quả, bền vững, huyện Trấn Yên đang tập trung thực hiện Đề án “Phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”. Với mục tiêu đến năm 2020, mở rộng diện tích trồng dâu lên trên 700 ha, nâng mức thu nhập của người trồng dâu nuôi tằm gấp 4 lần hiện nay và tổng diện tích dâu của toàn huyện đến năm 2025 đạt 1.216 ha, tập trung tại các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông, Y Can, Quy Mông, Hưng Khánh, Hồng Ca và một số xã khác có điều kiện phát triển trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết thêm: “Để nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững và khép kín chu trình sản xuất, huyện Trấn Yên đang đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho các hộ từ trồng dâu đến nuôi tằm, nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí, giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm kén; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, huyện Trấn Yên còn tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nhân công để Công ty Dâu tằm tơ Miền Bắc từng bước xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2020 phấn đấu xây dựng 1 nhà máy ươm tơ tự động tại xã Tân Đồng; công suất 200 tấn tơ/năm, tiêu chuẩn tơ đạt cấp 2A trở lên và giai đoạn năm 2020 - 2025 sẽ xây dựng cơ sở dệt lụa”.

Trồng dâu - nuôi tằm, ươm tơ - dệt lụa không đơn giản tạo ra hàng hóa phục vụ nhu cầu con người, cho đời sống xã hội mà còn hàm chứa trong đó những giá trị về văn hóa, tinh thần. Những người dân làm nghề ở đây đang từng ngày mong chờ một “cú hích” đồng bộ và mạnh mẽ để Trấn Yên hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới./.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái