Để tạo nên thành công này, tỉnh Hà Nam áp dụng rất nhiều giải giải pháp đồng bộ liên quan mật thiết với nhau trong từng khâu. Mỗi khâu là một yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự sống còn của cánh đồng mẫu. Trước tiên, tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền để bà con thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích mà cánh đồng mẫu mang lại. Đồng thời quyết tâm chỉ đạo dồn ô đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo ra những vùng tập trung quy mô lớn. Được biết từ những cánh đồng mẫu làm điểm năm 2014 tại 6 huyện, thành phố với sự hỗ trợ của tỉnh cho các địa phương, hiện nay toàn tỉnh đã tích tụ đất và xây dựng được 81 cánh đồng mẫu/1.756 ha, trong đó có gần 30 cánh đồng mẫu đạt quy mô 30ha trở lên. Điều này cho thấy, mô hình cánh đồng mẫu đã mang lại hiệu quả rõ nét, nâng cao được giá trị kinh tế trên diện tích canh tác, là hướng đi tất yếu trong phát triển sản xuất nông nghiệp, từng bước góp phần xoá bỏ tình trạng manh mún nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất theo phương thức tập trung quy mô lớn, có liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có tích tụ được ruộng đất mới tạo điều kiện thuận tiện cho việc thực hiện đồng bộ các khâu.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, mô hình cánh đồng mẫu ở Hà Nam đã được duy trì và nhân rộng

Để xây dựng cánh đồng mẫu thành công và hiệu quả, phải kể đến “3 cùng” trong sản xuất, đó là cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Giải pháp này đã được tỉnh chỉ đạo ngay từ khi triển khai điểm các mô hình cánh đồng mẫu tại các huyện, thành phố. Cùng với đó là một số yêu cầu quan trọng như phải liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch vùng từ 30ha trở lên/cánh đồng/vụ và phải có gắn kết 3 vụ/năm, trong đó 2 vụ bắt buộc phải “3 cùng”, còn vụ Đông thì lựa chọn 1-2 loại cây trồng hàng hoá. Thực tế triển khai cho thấy, nhiều cánh đồng mẫu có quy hoạch tập trung quy mô 30ha/cánh đồng đã tạo điều kiện giải quyết “3 cùng”.

Về xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân cho thấy: Cánh đồng mẫu đã tạo bước chuyển lớn trong tổ chức sản xuất tập trung trên đồng ruộng. Bà con không cấy nhiều giống như trước đây mà hầu hết cấy cùng giống để cùng trà, giúp thuận tiện chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, thuận lợi trong khâu thu hoạch, cũng như đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng. Năng suất lúa trong cánh đồng đạt hơn 120 tạ/ha/năm, tăng khoảng 10% so với trước khi thực hiện cánh đồng mẫu.

Nếu như Nhân Mỹ là xã xây dựng được nhiều mô hình cánh đồng mẫu nhất trong tỉnh, tới 9 cánh đồng mẫu thì huyện Kim Bảng là huyện xây dựng được mỗi xã có ít nhất 1 cánh đồng mẫu với tổng 18 cánh đồng/569ha/toàn huyện. Như vậy hiệu quả của những cánh đồng mẫu đã được khẳng định trong quá trình sản xuất thực tế tại các địa phương. Nông dân đã nâng cao trình độ nhận thức để quản lý và làm chủ như: Tổ chức sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm hàng hoá chất lượng; đặc biệt việc áp dụng “3 cùng” đã giúp năng suất lúa đạt cao hơn năng suất lúa ngoài mô hình từ 5-7% và giá bán cũng cao hơn từ 8 - 10%. Riêng 30% cánh đồng mẫu thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo hình thức bán thóc tươi, giá cao hơn từ 10 - 15% so với giá lúa tương đương trên thị trường tại thời điểm thu mua.

Cùng với cây lúa, cây trồng vụ Đông được sản xuất trên cánh đồng mẫu đang phát huy hiệu quả khá tốt. Theo tính toán, nếu thời tiết thuận lợi, diện tích trồng ngô nếp, bí đỏ cho thu nhập hơn 55 triệu đồng/ha/vụ. Còn trồng dưa chuột trong cánh đồng mẫu ở một số xã ở Kim Bảng đạt tới 200 triệu đồng/ha/vụ.

Một yếu tố hết sức quan trọng để xây dựng phát triển cánh đồng mẫu đó là tỉnh đã quan tâm liên kết với các công ty, doanh nghiệp để mở rộng mô hình cánh đồng mẫu. Theo quan điểm của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nam, để duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu, những năm tới các địa phương cần quan tâm hơn trong liên kết sản xuất. Đồng thời phải lựa chọn các giống cây vụ Đông mới, có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất trên những cánh đồng mẫu, nhằm nâng cao thu nhập, tạo niềm tin, sự phấn khởi trong nông dân.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân mở rộng mô hình cánh đồng mẫu, chủ động đưa những giống cây trồng có giá trị, có lợi thế, thuận lợi về đầu ra vào sản xuất. Cùng với đó, ngành sẽ tham mưu với tỉnh đẩy mạnh kêu gọi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm nâng cao tỷ lệ ký kết liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giúp nâng cao giá trị kinh tế, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Mai Huê

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam