Trong tổng số 38 lớp dạy nghề nông nghiệp do TTKNKNKNTB thực hiện có 25 lớp dạy nghề trồng cây lương thực thực phẩm, 11 lớp chăn nuôi gia súc gia cầm và 2 lớp nuôi trồng thủy sản.

Nét mới trong công tác tuyển sinh năm 2015 là độ tuổi của các học viên được qui định tăng thêm 5 tuổi (nam được tuyển đến tuổi 65, nữ được tuyển đến tuổi 60). Công tác tuyển sinh được TTKNKNKNTB gắn kết với các đoàn thể là các tổ chức hội nông dân, hội phụ nữ, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của các địa phương nên việc chiêu sinh đảm bảo số lượng và chất lượng. Giáo viên giảng dạy được phân công 2-3 giảng viên/lớp là các cán bộ có kinh nghiệm của TTKNKNKNTB và các khuyến nông viên cơ sở có chứng chỉ  kỹ năng dạy học của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình dạy nghề đã được chuẩn bị chu đáo gồm lịch trình, giáo trình, giáo án cụ thể cho từng đối tượng cây con. Ngoài ra, TTKNKNKNTB còn chuẩn bị đầy đủ các loại văn phòng phẩm, vật tư thực hành như giấy, bút, các chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, cây con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản... để phục vụ lớp học.


Phương pháp giảng dạy học có nhiều đổi mới, trao đổi thông tin 2 chiều từ học viên và giảng viên. Khuyến khích các nhóm, tổ chia sẻ thông tin, phát huy khả năng tư duy của nhóm. Các buổi học lý thuyết được kết hợp giữa thuyết trình và hình ảnh minh họa giúp nông dân hiểu rõ, nhanh và hiệu quả. Sau mỗi buổi lý thuyết học viên lại được thực hành ngay trên mảnh ruộng vườn ao nhà mình nên được đông đảo học viên tham gia hưởng ứng. Nội dung dạy nghề cho đối tượng là nông dân rất phong phú, bám sát vào thực tế  nhu cầu sản xuất của từng địa phương. Đồng thời ứng dụng các kiến thức khoa học mới vào sản xuất, thay đổi công thức luân canh có hiệu quả như lựa chọn các loại cây, con giống đảm bảo chất lượng, trồng khoai tây bằng nguồn giống khí canh, kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, kỹ thuật nuôi thả tôm, ngao đảm bảo mật độ,... thay thế lúa xuân bằng ngô ngọt - dưa gang; khoai tây xuân... nhằm nâng cao hiêu quả kinh tế.

Thông qua các lớp dạy nghề sẽ bổ sung thêm các kiến thức mới cho học viên là nông dân, từ đó áp dụng thực tế vào đồng ruộng nhà mình. Mỗi học viên lại là một tuyên truyền viên tích cực giúp các địa phương phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến trình về đích nông thôn mới của tỉnh.

                                        Mai Thị Thu Hương

Trung tâm Khảo nghiệm KNKN Thái Bình