Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, gương mặt thuần nông của Thanh Liêm đã đổi thay mạnh mẽ.
    
Việc của cả đời       
 
Do đặc thù là huỵện thuần nông, khó khăn về nguồn vốn khi XDNTM nên Thanh Liêm xác định đây là công việc của cả đời, phải làm từng bước, lâu dài và gian khó. Trước mắt, chọn những tiêu chí người dân đang quan tâm như: nâng cao thu nhập, đầu tư khoa học kỹ thuật cho sản xuất; giao thông nông thôn; giao thông nội đồng; dồn điền đổi thửa (DĐĐT)… Vì vậy, sau hơn 3 năm triển khai quyết liệt, toàn huyện đã đổi thay mạnh mẽ, sức sống mới từ một địa phương thuần nông ngày càng hiện rõ.
 
Theo đó, tính đến 30/6/2014 đã có 2 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM: Thanh Thủy (xã điểm), Thanh Hà; 1 xã đạt 14 tiêu chí: Thanh Nguyên (dự kiến về đích trong năm 2014); 2 xã đạt 12 tiêu chí; 2 xã 11 tiêu chí; 4 xã 10 tiêu chí; 1 xã 9 tiêu chí; 4 xã 8 tiêu chí. Cả 16 xã đã tiến hành cắm mốc quy hoạch, có 4 xã đã thực hiện xong quy hoạch ngoài đồng ruộng.

Làm đường giao thông nội đồng Thanh Hương.

Giao thông nông thôn và giao thông nội đồng được người dân hồ hởi đón nhận, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 21,102km đường trục xã, 177,378km đường trục thôn đạt chuẩn từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh; đã hoàn thành 2 cầu giao thông tại 2 xã. Đường trục chính nội đồng được rải đá cứng: 66,5km; kiên cố hóa kênh mương: 7,04km/45,7km; xây dựng hoàn thành 1 trạm bơm tại xã Liêm Sơn; toàn huyện nâng cấp và xây mới: 203 phòng học các cấp. Xây mới 2 nhà văn hóa.xã; 20 nhà văn hóa thôn và 6 chợ nông thôn.
 
Nhóm tiêu chí văn hóa, xã hội, môi trường cũng có nhiều đổi thay đáng kể, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014 đã đào tạo nghề cho 44 người, giải quyết việc làm cho 1.508 lao động, trong đó tạo việc làm trong nước 1.442 người, xuất khẩu lao động 86 người, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên năm 2013 là: 90%; hộ nghèo giảm 301hộ (0,77%).
 
Các xã trong toàn huyện giữ vững đơn vị đạt chuẩn quốc gia y tế xã. Số thôn, xóm được công nhận làng văn hóa: 128/167 thôn, làng (76,6%). Tỷ lệ người dùng nước sạch, nước hợp vệ sinh: 92%. Tổ chức vận chuyển, bốc xúc rác thải và xây dựng 26 bể rác tại các xã trong huyện. Nhóm tiêu chí hệ thống chính trị: Đã kiện toàn đội ngũ cán bộ công chức cấp xã theo chỉ thị tỉnh ủy đảm bảo mỗi xã có 1 công chức dự bị để làm nhiệm vụ giúp ban chỉ đạo XDNTM cấp xã; đã có 11/16 xã đạt chuẩn về chất lượng cán bộ công chức.
 
Song song với việc thực hiện 19 tiêu chí, công tác dồn đổi đất nông nghiệp cũng được Thanh Liêm bàn bạc kỹ lưỡng, cẩn trọng trước khi thực hiện, vì vậy, công tác DĐĐT cũng được bà con đón nhận một cách tích cực. Tính đến thời điểm này huyện đã cơ bản hoàn thành công tác dồn đổi đất nông nghiệp, từ chỗ 10 thửa/hộ, thậm chí có hộ 15 thửa, sau khi dồn đổi chỉ còn 1,68 thửa/hộ.
 
Đồng sức, đồng lòng
 
Tuy nhiên, điều bà con phấn khởi nhất là nhóm tiêu chí về kinh tế, tổ chức sản xuất và thực hiện các đề án đem lại hiệu quả cao. Đáng ghi nhận là các đề án như: lúa gieo thẳng; các mô hình trồng cây vụ đông hàng hóa: bí xanh, bí đỏ, khoai tây; dưa xuất khẩu phát triển mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đề án giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, sau gần 3 năm triển khai đã có 655 hộ tham gia với tổng diện tích 14.145m2. Đề án phát triển nấm ăn: 246 đăng ký trồng các loại nấm như: mộc nhĩ, nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ.
 
Để khuyến khích nông dân thực hiện các đề án có hiệu quả Thanh Liêm đã có cơ chế hỗ trợ cụ thể sau đầu tư, sau khi đã kiểm tra nghiệm thu nên bà con rất phấn khởi, đồng sức đồng lòng cùng chính quyền địa phương hăng say sản xuất, góp phần tích cực trong phong trào XDNTM. Ngoài việc hỗ trợ sản xuất, huyện còn có chính sách hộ trợ cơ giới hóa nông nghiệp như: mua máy gặt đập liên hợp tại xã Thanh Thuỷ; hỗ trợ nông dân mua 19 máy làm đất tại 3 xã: Thanh Hà, Thanh Lưu, Liêm Cần; 6 tháng đầu năm 2014 đã có 3 xã đăng ký mua máy gặt đập liên hợp đang chờ chế độ hỗ trợ của nhà nước      
 
Với nhiều chính sách và bịện pháp tích cực như trên, bộ mặt NTM của Thanh Liêm đã dần thay đổi, cả về lượng lẫn chất. Nếu như thu nhập chung năm 2011đạt: 16,64 triệu đồng/người/năm, 6 tháng đầu năm 2014 đã đạt: 17 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011: 11,8%, 6 tháng đầu năm 2014: 4,34%. Toàn huyện có 30 HTX dịch vụ nông nghiệp, trong đó có 17 HTX xếp loại khá trở lên; 11 HTX trung bình; 2 HTX loại yếu.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Liêm, cho biết: “Có 2 yếu tố làm nên sức mạnh của Thanh Liêm trong XDNTM đó là: Sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân. Tiếp theo là công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai mạnh mẽ, nên bà con đã chủ động tự nguyện tham gia. Một số xã như: Thanh Nguyên, Thanh Lưu, Liêm Cần, Thanh Nghị… đã vận động được nhân dân hiến đất với tổng diện tích 5.489,2m2 đất để làm đường giao thông và xây dựng hạ tầng nông thôn.
 
Ngoài ra, trong 3 năm và 6 tháng đầù năm 2014 còn huy động hiệu quả nguồn vốn, nguồn lực trong nhân dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn; vốn lồng ghép các chương trình và các nguồn khác là: 526.080,1triệu đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở xã, thôn, xóm”.
 
Ngoài ra, cũng theo ông Đồng thì bên cạnh những thành tích đã đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Chất lượng lập quy hoạch chưa cao, chưa chú trọng quy hoạch sản xuất. Việc công khai quy hoạch, cắm mốc quy hoạch còn hạn chế, chưa đề cập đến giải pháp thực hiện và quản lý quy hoạch.
 
Chương trình XDNTM bao gồm nhiều nội dung, cần có nguồn kinh phí đầu tư lớn và thời gian để thực hiện trong khi nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, ngân sách địa phương hạn chế nên việc huy động nguồn vốn XDNTM gặp nhiều khó khăn.

Theo báo Kinh tế Nông thôn