Ông Cai Thành Minh – Chủ tịch Hội CCB huyện Phù Cát cho biết: “Đến nay, các cấp hội CCB trong huyện đã vận động góp vào quỹ Hội hơn 1,66 tỷ đồng cho 396 lượt hội viên mượn không tính lãi; đồng thời tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội huyện giải ngân cho 2.301 lượt hội viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ hơn 75,1 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra còn có 8 hộ vay vốn Ngân hàng nông nghiệp, quỹ tín dụng với số tiền 3,8 tỷ đồng”.

 Đi đôi với việc tạo vốn, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hội CCB huyện cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng các hội, đoàn thể, tổ chức hơn 50 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt cán bộ hội viên học tập để áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nhờ đó đời sống của hội viên CCB ngày càng được nâng cao.

Đến nay, toàn huyện có 2.592 hộ hội viên khá - giàu (chiếm 75,21%), số hộ CCB nghèo giảm xuống còn 28 hộ (chiếm 0,8%) và không còn nhà ở đơn sơ dột nát trong CCB. Đã xuất hiện ngày càng nhiều hội viên CCB làm kinh tế giỏi, hiện có 01 công ty TNHH, 02 doanh nghiệp tư nhân do hội viên CCB làm chủ và có trên 100 trang trại, gia trại của CCB quy mô từ 4-10 ha, sản xuất kinh doanh hiệu quả; có 376 hội viên CCB đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất nước uống tinh khiết của CCB Hồ Quang Dũng – xã Cát Thành, hàng năm thu nhập hơn 800 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 5-6 công nhân với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/người/tháng; mô hình chăn nuôi nai của CCB Lê Công Ửng - xã Cát Lâm; hay mô hình cải tạo đất hoang để làm hoa màu và rau sạch với diện tích hơn 2 ha của CCB Phan Văn Bảy - thị trấn Ngô Mây…

Trước đây, gia đình ông Lê Công Ửng - ở thôn Hiệp Long – xã Cát Lâm thuộc diện khó khăn. Sau 10 năm tham gia quân ngũ, ông phục viên trở về địa phương để xây dựng kinh tế. Với bản tính siêng năng, cần cùa của một người lính đã được tôi luyện trong quân ngũ và sự hỗ trợ, giúp đỡ của hội CCB địa phương, ông đã tìm cho mình hướng đi riêng bằng việc khai thác tối đa lợi thế đất đai ở địa phương để trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông có 6,5ha rừng trồng, 1ha sản xuất cây trồng cạn, 9 con bò giống và hơn 10 con nai, trong đó có 4 con đã cho nhung…, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình trên 200 triệu đồng/năm.

Ông Lê Công Ửng cho biết: “Ban đầu, gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn và kỹ thuật sản xuất. Nhờ có Hội CCB xã đứng ra tín chấp với ngân hàng Chính sách xã hội, tôi mới có điều kiện vay vốn ưu đãi để trồng rừng và chăn nuôi. Đồng thời được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và tham quan các mô hình có hiệu quả do Hội CCB phối hợp với các ngành tổ chức nên gia đình tôi mới có điều kiện phát triển kinh tế như ngày nay”.

Hội viên Hội CCB khai thác rừng trồng

Ngoài làm giàu cho bản thân, nhiều mô hình sản xuất của hội viên CCB còn tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho nhiều cựu quân nhân, con em CCB và tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, tiêu biểu như: CCB Trần Văn Hùng- xã Cát Lâm, trồng hơn 130 ha keo lai và bạch đàn. Ngoài ra, ông còn thu mua gỗ lâm sản với sản lượng hơn 200.000 tấn/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 lao động tại địa phương với mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận hơn 2 tỉ đồng/ năm. Từ đó, ông  đóng góp cho địa phương hơn 50 triệu đồng/năm và tặng quà cho hội viên CCB, cựu quân nhân và nhân dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân các ngày lễ, tết với tổng trị giá quà tặng hơn 200 triệu đồng…

Trường Giang

Trung tâm VH - TT - TT  huyện Phù Cát - Bình Định