Máy gặt đập liên hợp của HTX Hòa Phong I tham gia thu hoạch lúa vụ Đông Xuân năm 2012

 

“Lao động nông nghiệp ở nông thôn bây giờ toàn người trung niên và lớn tuổi thôi, thanh niên trẻ thì đi làm công nhân, làm ăn xa hết, nhờ có máy móc đưa vào sản xuất không thì bà con nông dân mình còn khổ nhiều”, ông Nguyễn Sĩ – Chủ nhiệm HTX DVSXNN Hòa Phong I mở lời khi chúng tôi hỏi thăm về hoạt động cơ giới hóa của HTX.


Diện tích đất lúa mà HTX đang quản lý, theo dõi, chỉ đạo sản xuất tại địa phương là 234ha tập trung ở các thôn Cẩm Toại Trung, Cẩm Toại Đông, Dương Lâm 1, Bồ Bản 1, Thạch Bồ và một phần diện tích Cẩm Toại Tây. Với 2 máy cày tự sắm từ năm 2009 có công suất 24 mã lực và 2 máy gặt đập liên hợp có công suất 55 mã lực, 60 mã lực mà HTX sắm nhờ tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng qua các năm.


Hiện số máy này mới chỉ đang giải quyết được từ 35-40% trong tổng số diện tích đất sản xuất lúa mà HTX quản lý; hơn 60% diện tích còn lại, để làm đất, thu hoạch bà con nông dân phải thuê máy móc của tư nhân. Được biết, mức thu trong khâu làm đất và thu hoạch do HTX Hòa Phong I nhận là 70.000 đồng/sào và 180.000 đồng/sào, trong khi giá mà bà con phải trả để thuê máy móc của tư nhân là từ 75.000 - 80.000 đồng/sào và 200.000 – 250.000 đồng/sào. Với mức thu thấp hơn của thị trường từ 5.000 – 10.000 đồng/sào trong khâu làm đất, 20.000 – 70.000 đồng/sào với thu hoạch, hoạt động dịch vụ cơ giới hóa của HTX Hòa Phong I không chỉ giúp bà con giải quyết được khâu thiếu hụt lao động, tăng năng suất lao động, đảm bảo lịch thời vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch, ngoài ra còn tác động đến giá cả, đảm bảo lợi ích của nông dân khi góp phần vào việc bình ổn giá vào lúc cao điểm của mùa vụ.


Nói về hiệu quả, ông Sĩ phấn khởi cho biết: “Năm 2013 hoạt động dịch vụ này đã mang về lợi nhuận hơn 160 triệu đồng cho HTX. Điều quan trọng hơn nữa chính là HTX đã chia sẻ lợi ích cho bà con nông dân, giảm chi phí sản xuất, đẩy nhanh tiến độ sản xuất và từng bước thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của bà con”. Chủ nhiệm HTX nhẩm tính khi sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch, bà con sẽ tiết kiệm được từ 230.000 - 300.000 đồng/sào so với thuê công lao động trước đây.


Tâm huyết và gắn bó với HTX NN hơn mấy chục năm qua, ông Sĩ nhận thấy hiệu quả, lợi ích mà cơ giới hóa mang lại cho bà con nên ngay từ những ngày đầu năm nay, ông cùng các xã viên HTX Hòa Phong I đã thống nhất, khẩn trương làm thủ tục đăng ký xin được hỗ trợ mua thêm 01 máy cày từ nguồn vốn sự nghiệp Nông nghiệp và PTNT của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời thời gian tới HTX sẽ tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư mua thêm 1 máy gặt đập liên hợp DC60 của hãng Kubota. Phấn đấu trong năm nay sẽ nâng diện tích đất lúa mà HTX đảm nhận làm đất, thu hoạch lên 50 – 60%, khẳng định vị thế, vai trò của mình trong tiến trình hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng..


Không còn cảnh tất bật tìm, thuê nhân công tập trung cày hay thu hoạch. Nông dân xã Hòa Phong nay đã biết, tin tưởng và gắn bó với máy móc, thiết bị cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong thời điểm này, khi Chính phủ đang chủ trương khuyến khích đẩy mạnh xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cả nước, góp phần xây dựng nông thôn mới thì loại hình hoạt động dịch vụ cơ giới hóa như của HTX Hòa Phong I nên ngày càng được đầu tư, khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa./.

 

 

Nguyễn Anh - Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng