Đồng Tháp đã chọn xã Mỹ Hội (huyện Cao Lãnh) và xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh) làm điểm của tỉnh triển khai thực hiện mô hình. Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý các xã điểm đã chủ động chỉ đạo, lãnh đạo và phân công từng thành viên, cán bộ, công chức tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của mô hình và phương châm “3 biết” trong xây dựng nông thôn mới đến từng ấp, từng tổ, hội trên địa bàn. Thông qua đó kịp thời lấy ý kiến cộng đồng dân cư triển khai thực hiện các phần việc cụ thể trên địa bàn từng ấp. Trong đó, chú trọng việc lựa chọn, tìm kiếm những nông dân tiêu biểu, tâm huyết làm lực lượng nòng cốt khơi dậy tinh thần tự lực, gắn kết người nông dân với nhau; tăng cường thành viên là nông dân có uy tín, điển hình trên địa bàn các ấp. Cấp ủy và chính quyền địa phương thể hiện rõ vai trò định hướng, đồng hành; tạo điều kiện trao quyền cho người dân bàn bạc quyết định những phần việc, mô hình cụ thể mang tính thực chất, đáp ứng kịp thời nhu cầu của cộng đồng dân cư ở mỗi ấp nhằm nâng cao mức sống của chính người dân cả về vật chất và tinh thần; phát huy tính dân chủ, nghe dân nói, cùng dân làm. 

Đối với Ban Phát triển ấp, Nhóm quản lý cộng đồng ra mắt và đưa vào hoạt động Hội quán nông dân, gắn kết các nông dân với nhau để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ, khơi dậy tinh thần hợp tác của cộng đồng dân cư... góp phần gia tăng giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các phần việc cụ thể được triển khai thực hiện tại 02 xã đã tập trung những nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Phát triển sản xuất liên kết; thực hiện mô hình hàng rào, cây xanh, thắp sáng đường quê và xây dựng công trình giao thông theo cơ chế đặc thù.

Đối với xã Mỹ Hội, đã vận động nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm được 162,24 ha lúa với 161 hộ tham gia nâng dần việc chuyển diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trên địa bàn xã; liên kết và tiêu thụ 2,9 ha xoài với 07 nhà vườn tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ; tiếp tục phát triển 13 tổ hợp tác về dịch vụ bơm tưới, làm vườn, hùn vốn cất nhà,…; vận động các hộ dân tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, hoa cảnh trên 3 tuyến đường trục chính của xã với tổng chiều dài 8,3 km. Thực hiện công trình thắp sáng đường quê do chính người dân tự đóng góp tiền mặt, chiều dài 8,7 km đường trục ấp; thực hiện công trình đường bê tông không cốt thép, người dân tham gia xây dựng 02 công trình cầu nông thôn trị giá 270 triệu đồng; đổ đá, sửa chữa tuyến đường dài 1,5 km; vận động nhân dân và tranh thủ nhiều nguồn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài xã đã xây dựng mới và sửa chữa 49 căn nhà, 25 nhà vệ sinh, góp phần ổn định cuộc sống người dân. Gắn với thực hiện mô hình kiểu mẫu, ngay đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo xã đã chủ động tổ chức Lễ phát động phong trào xanh hóa đường quê, ngày hội môi trường và ra mắt Ban vận động “Khu dân cư bảo vệ môi trường ứng phó biến đổi khí hậu”. Với sự tham gia của người dân đã thực hiện trồng cây xanh trên 1,2 km. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có một số mô hình làm ăn hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống của người dân, điển hình vận động nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp quy mô 210 ha,…

Đối với xã Tân Thuận Tây, tổ chức trồng hoa trên các tuyến đường trên địa bàn xã với chiều dài 12,6 km; vận động hộ gia đình đoàn thể tham gia đăng ký thu gom rác, tự tiêu hủy rác, xóa cầu tiêu trên ao cá và vận động thực hiện mô hình “3 sạch”; thực hiện mô hình cổng rào an ninh; vận động nhân dân hiến đất để mở rộng tuyến đường chiều dài 800 m. Ngoài ra, có hộ ông Đặng Văn Những tổ 07, ấp Tân Hậu đã chủ động, tự đầu tư xây dựng điểm sinh hoạt mô hình làng mới với tổng kinh phí khoảng 250 triệu đồng, phục vụ tổ chức hội họp, sinh hoạt cộng đồng cho khoảng 150 người. Đây là một tín hiệu tốt, vì mô hình này rất cần đến những nông dân tâm huyết, làm đầu tàu để khơi dậy, gắn kết người dân trong ấp với nhau.

Sự chuyển biến tích cực trong thay đổi phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, dần đưa người dân, cộng đồng dân cư về đúng vị trí là chủ thể của Chương trình; thông qua việc tạo điều kiện, khơi gợi từ những phần việc, công việc cụ thể gắn với sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân, cộng đồng dân cư để dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng. Hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của mô hình, số đông người dân rất tâm đắc, đồng tình cùng chính quyền thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Hướng tới tiếp tục thực hiện, phát triển mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp; góp phần mang lại thắng lợi cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh hiệu quả, bền vững. Các địa phương tập trung triển khai 4 mô hình Tổ giám sát cộng đồng đối với tất cả công trình kết cấu hạ tầng nông thôn; Cộng đồng dân cư bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp; Cộng đồng dân cư sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP gắn với liên kết tiêu thụ nông sản; Cộng đồng dân cư bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Trần Thắng