Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện, thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Giang có 19 dân tộc sinh sống, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác của đồng bào mang tính manh mún, nhỏ lẻ…. là một trong những khó khăn lớn đối với Hà Giang khi triển khai các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, sau gần 9 năm thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Hà Giang đã có 23/195 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2018, tỉnh Hà Giang phấn đấu có thêm 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đó là: xã Linh Hồ, xã Kim Thạch (huyện Vị Xuyên); xã Yên Định (huyện Bắc Mê), xã Tân Trịnh (huyện Quang Bình), xã Việt Vinh, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang), xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ), xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn) và xã Xín Mần (huyện Xín Mần); phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh Hà Giang có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Người dân huyện Vị Xuyên tham gia làm đường giao thông nông thôn

Giờ đây, chương trình XDNTM đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo quần chúng dân nhân đồng tình hưởng ứng. Nhờ đó, đã có hàng nghìn ngày công được huy động; người dân đã tự nguyện hiến hàng chục nghìn mđất của gia đình để mở rộng đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương; các doanh nghiệp, các tổ chức đã quyên góp ủng hộ hàng chục tỷ đồng nhằm phục vụ chương trình XDNTM…

Để đạt được những kết quả đó, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về mục đích, ý nghĩa của quá trình XDNTM, từ đó người dân tự nguyện đóng góp ngày công và hiến đất để mở đường và xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương, tạo thành phong trào toàn dân chung tay XDNTM.

Trong quá trình triển khai, Ban chỉ đạo Chương trình XDNTM của tỉnh Hà Giang từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của địa phương tập trung tuyên truyền về các nội dung như: Mục tiêu và tầm quan trọng của quá trình XDNTM trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; những kết quả trong quá trình triển khai; những cách làm hay, những nhân tố mới điển hình tại các địa phương trong quá trình XDNTM.

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình XDNTM tỉnh Hà Giang: Sau gần 9 năm triển khai XDNTM đã có hàng chục nghìn tin, bài, ảnh, phóng sự về XDNTM trên địa bàn của tỉnh được đăng trên báo in và báo điện tử của tỉnh; trên 18.920 tin thời sự, 975 phóng sự, 205 chuyên trang, chuyên mục, tọa đàm… được phát trên đài phát thanh truyền hình của tỉnh; 54 tin bài phát trên Đài truyền hình Việt Nam; in ấn trên 11.500 cuốn tài liệu hỏi đáp về XDNTM cấp phát cho 11 huyện, thành phố của tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo, các cơ quan ban ngành liên quan và đông đảo cán bộ, người dân của 195 xã, phường, thị trấn trên địa bàn của tỉnh. Các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn của tỉnh đã vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào hoạt động hướng về XDNTM như: Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Xây dựng công sở xanh, sạch , đẹp”, “Mỗi gia đình một mô hình kinh tế hộ”, “Tuổi trẻ Hà Giang chung tay XDNTM”… Từ kết quả đó, đã có hàng trăm cuộc ra quân XDNTM với hàng chục nghìn lượt hội viên tham gia và đã có hàng trăm nghìn gia đình đăng ký thực hiện các mục tiêu về XDNTM.

Chương trình XDNTM đã thực sự trở thành mục tiêu chung, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi của các cơ quan, đơn vị và của toàn thể nhân dân trong tỉnh. Đó cũng chính là nền tảng quan trọng tạo nên thành công bước đầu và trong giai đoạn tiếp theo của quá trình XDNTM trên địa bàn của tỉnh Hà Giang.

                                                                              Phạm Văn Phú

                                         Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang