Năm 2009 tỉnh Lâm Đồng được chọn là 1 trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã nông thôn mới (xã Tân Hội, huyện Đức Trọng) với khởi đầu là tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Kinh tế phát triển còn hạn chế nhất định, GRDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng, chỉ bằng 88% bình quân cả nước.

Qua 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã cho thấy diện mạo nông thôn khởi sắc, chất lượng đời sống, vật chất của người dân được nâng cao, nhận thức về nông thôn mới (NTM) được tăng cường; Kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng; Chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát triển; Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh sạch đẹp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đặc biệt, Lâm Ðồng là tỉnh duy nhất ở vùng Tây Nguyên có huyện Ðơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang cùng bốn huyện trong cả nước thực hiện đề án huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kết quả thực hiện các mục tiêu chương trình nông thôn mới đều vượt trội so khu vực và bình quân chung cả nước về tỷ lệ số xã đạt chuẩn, số tiêu chí bình quân và tỷ lệ xã dưới 10 tiêu chí. Đến tháng 6 năm 2019, Lâm Đồng có 90/116 xã đạt chuẩn NTM; huyện Đơn Dương đạt chuẩn NTM (năm 2015); hiện nay, huyện Đức Trọng và 2 thành phố (Đà Lạt và Bảo Lộc) đã hoàn thành xây dựng NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2019 sẽ có 13 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM kiểu mẫu và đến năm 2020 sẽ có 20 xã NTM nâng cao và 9 xã NTM kiểu mẫu.

Giai đoạn 2010 - 2020, Lâm Đồng đã huy động tổng nguồn kinh phí 52.692,4 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 13,73%; vốn vay tín dụng 81,6%; vốn cộng đồng dân cư đóng góp gần 3,34% và các tổ chức, doanh nghiệp 1,33%. Đặc biệt là việc xây dựng NTM tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng không để xảy ra tình trạng dư nợ, không huy động quá sức dân và nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân. Lâm Đồng luôn trở thành tỉnh dẫn đầu Tây Nguyên và cả khu vực Nam Trung Bộ về xây dựng NTM. Trong đó, các tiêu chí giảm nghèo, hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giao thông, văn hóa, y tế... là những tiêu chí được Trung ương đánh giá cao.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chương trình trọng tâm, xuyên suốt nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cần tiến hành thường xuyên, liên tục. Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình xây dựng NTM phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, địa phương.

Để thực hiện xây dựng NTM có hiệu quả, chất lượng và kết quả to lớn nói trên, lãnh đạo tỉnh đã ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách; từ đó xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch và hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, với quyết tâm chính trị rất cao. Các cấp, các ngành đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực…

Cũng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo trong thời gian tới cần tiếp tục công cuộc xây dựng NTM với quyết tâm chính trị cao nhất nhằm tạo chuyển biến đồng bộ ở các địa phương, đặc biệt là phải gắn với thực chất, không chạy theo thành tích.

Văn Phương

Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng