Khi "ý Đảng" đã thực sự vì dân

Xã Hóa Phúc, huyện Minh Hóa có tổng diện tích trên 3.100 ha (trong đó diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp hơn 2.900 ha). Trước đây, ở Hóa Phúc có tất cả 3 thôn là Kiên Trinh, Sy Hạ, Sy Thượng. Đến năm 1955, khi Nhà nước có chính sách cải cách ruộng đất, giảm tô, một số người dân trong xã đã chuyển đi các nơi khác sinh sống và cả xã chỉ còn lại khoảng 50 hộ dân sinh sống ở thôn Kiên Trinh. Đến những năm 2000, ở Hóa Phúc chỉ có duy nhất 1 thôn là thôn Kiên Trinh, với 83 hộ, 453 nhân khẩu.

Do nằm xa trung tâm, điều kiện phát triển nông nghiệp, dịch vụ buôn bán khó khăn, đại đa số người dân trong xã đều thuộc diện hộ nghèo. Cũng chính vì nghèo mà một số hộ đã phá rừng để kiếm kế sinh nhai...Nhận thấy tổng diện tích đất tự nhiên của cả xã khá rộng, người dân lại thiếu đất sản xuất, công ăn việc làm..., trong khi đó tiềm năng đất đai chưa được khai thác một cách có hiệu quả, năm 2000, từ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cho đến toàn bộ đội ngũ cán bộ xã Hóa Phúc đã tiến hành họp dân và lấy ý kiến nhân dân về việc tách thôn, rồi lập Đề án giãn dân, trình lên cấp trên phê duyệt.

Sau khi Đề án giãn dân được chấp thuận, nhưng nhìn thấy những khó khăn trước mắt, nhất là khó khăn, thiếu thốn về hệ thống cơ sở vật chất, thiếu công ăn việc làm, tình hình an ninh trật tự và những khó khăn, trở ngại có tên và không tên khác,... nhiều hộ gia đình trước đây đã từng đăng ký giãn dân lại sinh ra lo lắng, ngập ngừng… Để làm cho dân tin và dân làm theo, một số đảng viên, cán bộ công tác tại xã vừa đi tiên phong trong việc giãn dân ra lập làng mới, vừa ra sức vận động người dân trong thôn, mà nòng cốt là bà con, anh em ruột thịt của mình làm theo để làm gương cho bà con noi theo.

Với những lý do thuyết phục rất chính được đưa ra rất thuyết phục, đó là giãn dân sẽ khai thác đa tiềm năng đất đai bỏ hoang khá nhiều để trồng rừng phát triển kinh tế; lập làng mới thì tất cả các gia đình đều có rừng và đất rừng tập trung đầu tư sản xuất; lập làng mới ở gần nơi tuyến đường xuyên á đi qua sẽ là tiềm năng rất lớn trong quá trình giao thương, vận chuyển hàng hóa,... cán bộ, đảng viên ở xã Hóa Phúc đã thực sự thuyết phục được người dân tin theo, làm theo.

Tin theo và làm theo cán bộ, đảng viên, từ một vài hộ giãn dân, dần dần có tới 25 hộ đã chính thức di dời từ Kiên Trinh ra lập nghiệp ở vùng đất nằm ven tuyến đường xuyên á và đặt tên là thôn Sy. Trước cuộc sống ban đầu gặp nhiều khó khăn của của 25 hộ ở thôn Sy, Đảng ủy, chính quyền xã Hóa Phúc đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, động viên người dân duy trì trồng trọt, chăn nuôi để đảm bảo cuộc sống trước mắt, quyết tâm cao nhất không để một hộ dân nào bị thiếu đói. Mặt khác, Đảng ủy xã đã chỉ đạo chính quyền kịp thời tiến hành điều tra, rà soát lại toàn bộ thực trạng sử dụng rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp hiện có nhằm đưa ra các giải pháp tham mưu cho cấp trên tiến bàn giao đất ở, đất sản xuất và rừng cho các hộ gia đình.

Trước năm 2004, ở Hóa Phúc chỉ có chi bộ đảng trực thuộc Đảng bộ huyện Minh Hóa. Chính vì vậy, ở đây lúc đó, có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội đã gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2004, khi số lượng đảng viên phát triển lên 40 đồng chí, Đảng bộ xã Hóa Phúc đã được thành lập, tham gia sinh hoạt tại 3 chi bộ, khởi đầu cho mọi sự đổi thay ở vùng đất xa xôi ở khu vực phía tây Quảng Bình này. Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã Hóa Phúc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2005 – 2010, một nghị quyết chuyên đề về trồng và phát triển rừng đã được ban hành với những nội dung chủ yếu, là tập trung trồng rừng kinh tế nhằm tăng thu nhập cho các hộ gia đình, tạo mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ của rừng….

Nghị quyết được ban hành ra, cùng với lúc đó, Nhà nước và tỉnh Quảng Bình quyết định đầu tư nâng cấp tuyến đường xuyên á đi ngang qua địa bàn thôn Sy, chạy thẳng ra Hương Khê, Hà Tĩnh, tạo điều kiện để động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực phía tây của tỉnh. Cùng với sự tiên phong, đi đầu của một số cán bộ đảng viên trong việc nhận đất trồng rừng bước đầu đã góp phần “giải tỏa” được những lo lắng, nghi ngại của đa số người dân trong xã trước những khó khăn hiện tại, làm cho ai đấy đều phấn khởi, tin tưởng vào một chủ trương đúng đắn của địa phương.

Đổi đời nhờ rừng

Hiện nay cả xã Hóa Phúc có gần 2.400 ha đất rừng khoanh nuôi, trên 1.000ha rừng được bảo vệ và trên 200 ha rừng trồng.

Khi nghe chúng tôi gợi lại những khó khăn của công tác trồng rừng ở Hóa Phúc trong quá khứ, đồng chí Đinh Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy xã Hóa Phúc bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó, khi nghe tin chúng tôi vay tiền, bỏ ra để khai hoang trồng rừng, nhiều người trong xã, kể cả người thân cũng tỏ ra nghi ngờ và phản đối rất quyết liệt, không chịu làm theo. Quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết đã ban hành, các ông Đinh Minh Phận – lúc đó là Chủ tịch UBND xã, Đinh Thanh Liêm và ông Đinh Hồng Ân – lúc đó là Chủ tịch và cán bộ Hội Nông dân, ông Cao Bá Đồng - cán bộ Văn phòng, nay là Chủ tịch UBND xã, mỗi người “dũng cảm” nhận 2 ha đất để trồng rừng. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần và sau giờ việc ở cơ quan và ngày cuối tuần, cả 4 ông cán bộ này về nhà huy động vợ con, anh em cật lực mở đất trồng rừng”.

Khoảng 8 năm sau ngày Đảng ủy ban hành Nghị quyết về trồng rừng, có gần chục ha rừng của các lãnh đạo, cán bộ xã, đảng viên và những hộ gia đình từng đi tiên phong trồng rừng đã cho thu hoạch với số tiền mỗi hộ gần 100 triệu đồng. Sau  vụ khai thác đầu tiên, nhận thấy hiệu quả kinh tế thực sự do rừng mang lại, các hộ gia đình lại tiếp tục mạnh dạn đầu tư vốn để phát triển diện tích trồng rừng. Lúc đó, người nông dân ở Hóa Phúc mới thấy được hiệu quả của rừng và thực sự hoàn toàn có niềm tin là Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã cách đó 8 năm đã ban hành hợp lý và hoàn toàn vì dân. Từ đó, hàng trăm hộ trong xã đã xung phong nhận đất trồng. Người trồng ít thì được 1 ha, người trồng nhiều trên chục ha. Từ năm 2010 đến nay, toàn xã đã trồng được trên 200 ha rừng kinh tế, cây nguyên liệu, vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2015, năm 2016, mỗi năm toàn xã đã khai thác được khoảng trên 400m3 gỗ keo, tràm thu về hàng tỷ đồng.

Riêng thôn Sy, từ chỗ mới lập thôn còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu sống dựa vào rừng và sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, đến nay thôn Sy đã được xếp vào danh sách các thôn có nền kinh tế mạnh ở Minh Hoá. Cùng với việc ban hành quy ước bảo vệ rừng, phong trào phát triển kinh tế vườn rừng ở đây đã thực sự phát huy hiệu quả. Ở đây có nhiều mô hình kinh tế vườn rừng cho hiệu quả kinh tế và thu nhập rất cao mà nhiều hộ gia đình ở khu vực trung tâm huyện, lỵ hay các xã đồng bằng khác cũng chưa thể có được. Tiêu biểu, đó là mô hình trồng rừng kinh tế, kết hợp với nuôi ong lấy mật của gia đình ông Đinh Quang Vinh, mỗi năm cho thu nhập 400 triệu; hay như gia đình ông Đinh Văn Ích cho thu nhập trên 300 triệu đồng; mô hình trồng rừng kinh tế của gia đình ông Đinh Hữu Ân, Đinh Thanh Lượng, mỗi năm cho thu nhập 200 triệu đồng/hộ, gia đình ông Đinh Minh Phận, cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm...

Nhờ rừng, kinh tế, thu nhập được nâng cao, người dân thôn Sy đã quan tâm việc đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt luôn được nhân dân quan tâm. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay thôn đã xây dựng được nhà văn hoá cộng đồng khá khang trang với trị giá gần 100 triệu đồng. Được sự hỗ trợ của Huyện Đoàn cùng với sự nỗ lực của người dân trong thôn, mặc dù điều kiện dân cư sinh sống khá thưa, nhưng từ năm 2013 thôn đã thực hiện hoàn thành công trình "Thắp sáng đường quê" ở các tuyến đường... Nhiều gia đình đã xây dựng được nhà kiên cố, mua sắm được các phương tiện sinh hoạt hiện đại, đắt tiền.

Ghé thăm gia đình ông Đinh Minh Phận trong một chuyến công tác, chúng tôi được biết, nhờ trồng rừng mà gia đình ông đã sớm thoát được nghèo, nuôi các con ăn học thành người. Trên diện tích 12 ha rừng keo, gần 2 ha trầm hương, hàng ngàn cây ăn quả và khoanh nuôi bảo vệ 5 ha rừng tự nhiên, mới bán được 3 lứa rừng trồng, gia đình ông đã thu về với số tiền trên 100 triệu đồng một năm. Hiện ông có 3 ha đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ngoài ra, từ vườn cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm, hàng năm, gia đình ông cũng có thể nguồn thu hàng chục triệu đồng.

Phát huy những kết quả từ kinh tế vườn rừng mang lại, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Đảng ủy xã Hóa Phúc tiếp tục xác định mục tiêu đẩy mạnh công tác khoanh nuôi và bảo vệ rừng, tiếp tục phát huy thế mạnh về trồng rừng, trồng cây nguyên liệu và các loại cây bản địa, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, xác định đây là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020 và cho những năm tiếp theo, nhằm tạo động lực đẩy mạnh mục tiêu, chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phấn đấu đến năm 2020 hộ nghèo còn lại 5%, xã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới...

Với những chủ trương, nghị quyết hợp lòng dân và những tiềm năng và lợi ích thực sự mà rừng đã mang lại, tin chắc rằng Hóa Phúc sẽ sớm hoàn thành những kế hoạch đã đề ra.

 Hà Trương