Tịnh Giang là xã thuần nông nên phát triển nông lâm nghiệp là lĩnh vực kinh tế chủ lực của nhiều hộ dân nơi đây.

Tận dụng lợi thế vùng đất núi, nhiều năm trở lại đây, gia đình ông Huỳnh Thanh Liêm ở thôn An Hòa, xã Tịnh Giang đã lựa chọn trồng cây keo nguyên liệu để phát triển kinh tế gia đình. Trên diện tích 4 ha ông trồng hơn 5.000 cây keo lai giâm hom. Hiện nay, số keo này chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, trung bình 4 năm gia đình ông thu hoạch keo một lần. Với 1 ha keo lai, ông thu về từ 100-120 tấn, giá bán từ 1 triệu – 1,2 triệu đồng/tấn.

Còn anh Trần Viết Cường ở xã Tịnh Giang trong 3 năm trở lại đây đã chọn hướng phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi heo thịt. Gia trại nuôi heo của anh được xây dựng kiên cố với diện tích 140 mét vuông, chia thành 5 ô chuồng, mỗi ô chuồng thả nuôi 10 heo con, trọng lượng ban đầu từ 8-20kg. Sau thời gian nuôi khoảng từ 3 đến 4 tháng gia đình anh xuất chuồng khoảng hơn 30 con heo thịt, mỗi con có trọng lượng bình quân từ 80-100 kg. Riêng trong tháng 1/2017 gia đình anh đã xuất bán 3 tấn heo thịt thương phẩm, thu nhập hơn 110 triệu đồng. Trong chăn nuôi heo, anh Cường luôn chú trọng đến khâu vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng trừ dịch bệnh. Nhờ chịu khó học hỏi, thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật, chăm sóc đàn heo cẩn thận nên mô hình chăn nuôi của gia đình anh phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi heo của anh Trần Viết Cường, xã Tịnh Giang

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, từ năm 2011 đến nay, xã Tịnh Giang đã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện mở hơn 10 lớp tập huấn cho gần 160 nông dân để chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt; Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất như thực hiện Đề án chăn nuôi heo nái khép kín, xây dựng mô hình nuôi bò cái lai zê bu sinh sản, nuôi hươu lấy nhung, với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng; Cung cấp phân bón, vật tư cho các hộ dân tham gia trồng mía theo mô hình trồng mía mới – trồng bằng cơ giới. Đồng thời, huy động quỹ vì người nghèo để hỗ trợ cho đối tượng nghèo, cận nghèo về giống, phân bón để sản xuất, chăn nuôi.

Hiện nay toàn xã có hơn 25 hộ chăn nuôi, 2 gia trại tổng hợp, hơn 200 hộ phát triển kinh tế rừng, mức thu nhập hàng năm của những hộ này từ 100-200 triệu đồng.

Được biết, nếu như năm 2011 bình quân thu nhập đầu người của xã chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm thì đến đầu năm 2017 tăng lên hơn 27 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm 16,6% thì đền đầu năm 2017 giảm xuống còn 3,59%.

Ông Huỳnh Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh cho biết: “Sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện và giữ vững danh hiệu này. Xã sẽ tập trung vào việc tăng thu nhập cho người dân cũng như giảm nghèo bền vững. Đối với xã nông nghiệp như Tịnh Giang, ngoài chăn nuôi, phát triển rừng, xã sẽ trồng một số cây công nghiệp như cây tiêu để dần thay thế một số giống tiêu đã cỗi bằng giống tiêu mới cho năng suất cao”.

Với những kết quả đạt được trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh đã đánh dấu một bước ngoặc lớn cho sự phát triển, chuyển mình ở một vùng quê miền núi. Trong tháng 3/2017 sắp tới, huyện Sơn Tịnh sẽ tổ chức lễ công bố và đón nhận xã Tịnh Giang đạt chuẩn nông thôn mới.

Kim Cúc – Như Đồng