Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ sử dụng nguồn phụ phẩm này trong chăn nuôi trâu bò còn khiêm tốn và chủ yếu là ở dạng tươi, chưa được chế biến để tạo nguồn thức ăn dự trữ, có giá trị dinh dưỡng. Như vậy, một khối lượng lớn nguồn phụ phẩm nông nghiệp dùng làm thức ăn cho gia súc đã bị lãng phí.

Để giúp người chăn nuôi gia súc cập nhật được chủ trương, chính sách của Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả cho người chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề: “Công nghệ xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc TTKNQG, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bà Võ Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT An Giang đồng chủ trì Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn có 250 đại biểu của 5 tỉnh, trong đó 170 đại biểu là nông dân chăn nuôi gia súc đến từ 5 tỉnh: An Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long. Nhiều cơ quan báo đài trung ương và địa phương đến tham dự và đưa tin.

Toàn cảnh Diễn đàn

 Diễn đàn đã nghe 05 báo cáo của Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ, Trường Đại học An Giang và Trung tâm Khuyến nông An Giang. Qua đó, đại biểu đã được giới thiệu về: Tình hình sản xuất và định hướng phát triển ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi tại  Việt Nam; Một số giải pháp và mô hình chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi tại Nam Bộ; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long; Kết quả dự án: “Sản xuất, chế biến và bảo quản thức ăn thô cho đại gia súc thích ứng với tình hình hạn hán, ngập mặn”; Tình hình sử dụng phụ phẩm trong nông nghiệp và giải pháp phát triển tại An Giang.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn gồm 9 chuyên gia đã giải đáp 50/50 câu hỏi đại biểu đặt ra tại Diễn đàn. Các câu hỏi tập trung vào những lĩnh vực như: xử lý phế phụ phẩm trong chăn nuôi, giống, cây thức ăn, chính sách, thú y, dịch bệnh và xử lý môi trường cũng như phương thức chăn nuôi.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nhằm xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Theo đó, 3 phương pháp chính để xử lý phụ phẩm nông nghiệp là: Phương pháp vật lý (nghiền, chặt, thái đập, phơi sấy, sấy khô, hấp chín, đun sôi ở nhiệt độ áp suất khí quyển, đun sôi ở nhiệt độ, áp suất cao…); Phương pháp xử lý hóa chất (dùng vôi, axit, urea, NH3…); Phương pháp vi sinh (lên men háo khí, ủ yếm khí…). Xử lý rơm bằng các giải pháp như ủ rơm khô dạng cuộn với urê trong túi nilon, ủ rơm tươi với urê theo phương pháp đóng bánh. Giải pháp ủ chua thức ăn xanh với rỉ mật, cám muối, giải pháp ủ chua thức ăn xanh dùng men vi sinh. Các khẩu phần sử dụng phế phụ phẩm đã chế biến dùng cho gia súc. Những giải pháp trên đã giúp cải thiện thành phần dinh dưỡng của phế phụ phẩm; Tăng lượng ăn vào và khả năng tiêu hóa, hấp thu của gia súc; Giảm ảnh hưởng của độc tố trong phế phụ phẩm; Giúp người chăn nuôi dự trữ nguồn thức ăn, khắc phục tính thời vụ của cây trồng, đảm bảo đáp ứng quanh năm nguồn thức ăn cho gia súc; Góp phần hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã tham quan mô hình trang trại nuôi dê sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn của ông Phó Văn Tới tại  xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Nguồn phế phụ phẩm mà ông sử dụng hàng ngày cho đàn dê Bore, dê Saanen, Bách thảo là hèm bia, rau muống khô, vỏ trái đậu nành đã luộc chín, lá mít, thân lá chuối và cỏ VA06 thái nhỏ. Với quy mô nuôi 450 con dê hàng năm đã mang về lợi nhuận cho trang trại khoảng 400 triệu đồng.

Các đại biểu đã tham quan mô hình trang trại nuôi dê sử dụng phụ phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn của ông Phó Văn Tới

Kết luận Diễn đàn, TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có một số ý kiến sau:

Kiến nghị Cục Chăn nuôi đề xuất qui hoạch vùng trồng cây thức ăn, giải pháp sử dụng tối ưu nguồn thức ăn tại chỗ ở các vùng miền.

Đề nghị các viện nghiên cứu, các trường đại học tiếp tục nghiên cứu và tài liệu hóa các qui trình xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi; Nghiên cứu các giải pháp về cơ giới hóa, vi sinh, vật lý trong chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp hiệu quả, phù hợp, các phần mềm quản lý thức ăn, cân đối khẩu phần chăn nuôi, giảm phát thải nhà kính.

Sở nông nghiệp & PTNT các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường hỗ trợ các chương trình chăn nuôi sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn.

Trung tâm khuyến nông các tỉnh cần tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chương trình đào tạo, thông tin tuyên truyền về sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc tại địa phương.

TS. Hạ Thúy Hạnh kết luận diễn đàn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp thu ý kiến đề xuất của 05 tỉnh tham dự, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho mô hình chăn nuôi gia súc sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn làm cơ sở cho các địa phương áp dụng, tăng cường xây dựng các mô hình trình diễn, đào tạo huấn luyện và thông tin tuyên truyền về sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc./.

 Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia