Diễn đàn thu hút sự tham gia của 216 đại biểu, trong đó có 140 nông dân chăn nuôi lợn đến từ 5 tỉnh/thành phố là Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình.

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, chăn nuôi lợn chiếm vị trí quan trọng trong sản phẩm ngành chăn nuôi. Vấn đề an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn được Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Trước tình hình diễn biến dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vẫn diễn ra phức tạp, nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học (ATSH) đã vượt qua được “cơn bão” này. Điều đó chứng tỏ chăn nuôi ATSH là “vũ khí” tối ưu giúp ngành chăn nuôi lợn bảo đảm tính bền vững.

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến ngày 25/11, bệnh DTLCP xảy ra ở trên 8.500 xã, thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố, với số lượng lợn tiêu hủy khoảng 337.000 tấn. Đến nay, đã có 56% tổng số xã có dịch đã qua 30 ngày và có 11 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mặc bệnh như Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ và Điện Biên; riêng tỉnh Hưng Yên đã công bố hết dịch. Tuy nhiên, do chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị; vi rút có sức đề kháng rất cao, tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất đa dạng, phức tạp và khó kiểm soát... Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh DTLCP có thể tiếp tục phát sinh và lây lan đến các địa bàn chưa có dịch, tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày.

Tại Diễn đàn, có 65 câu hỏi của các hộ chăn nuôi về giải pháp ATSH cho đàn lợn, nhất là những vấn đề liên quan đến DTLCP đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng. Trong đó tập trung vào các vấn đề: biện pháp cách ly khu chăn nuôi, hóa chất khử trùng tiêu độc hiệu quả, cách dùng các chế phẩm sinh học, thức ăn có men vi sinh, nước uống cho lợn, đệm lót sinh học, quy hoạch đàn lợn, chính sách hỗ trợ phòng chống chống DTLCP và tái đàn sau dịch...

Các chuyên gia trả lời câu hỏi của đại biểu tại Diễn đàn

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Hòa (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) về giải pháp phòng chống DTLCP, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Để giảm thiểu dịch bệnh, chúng tôi khuyến cáo bà con thực hiện tốt chăn nuôi ATSH, đối với tất cả đàn vật nuôi cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để tăng sức đề kháng của vật nuôi. Ngoài ra phải áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh; con giống phải đảm bảo được nguồn gốc hoặc mua từ các đơn vị uy tín; thực hiện tái đàn cần tuân thủ các quy định của cơ quan thú y.

Các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn khẳng định chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp. Các trang trại, cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, chiều ngày 28/11/2019, các đại biểu đã đến thăm mô hình chăn nuôi lợn ATSH của Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco tại xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Ông Nguyễn Đức Toản – Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Để ngăn chặn dịch lây lan vào trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột bên trong và ngoài chuồng trại, chúng tôi phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi ATSH để giữ được đàn lợn khỏe mạnh như hiện nay”.

Theo ông Toản, đơn vị đã xây dựng hàng rào và vùng an toàn từ cổng đến khu trại nuôi, bên cạnh đó công ty mua lưới dày che kín, xử lí côn trùng, kiểm soát chim, chuột, vật trung gian truyền bệnh. Đồng thời, kiểm soát nguồn thức ăn, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung men sinh học, vitamin cao cấp trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lợn... Nhờ đó, đàn lợn trong trang trại vẫn được đảm bảo an toàn.

Đại biểu thăm khu chăn nuôi và nghe đại diện Công ty Dabaco chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Bà Hạ Thúy Hạnh khẳng định: DTLCP hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Vì vậy, để khống chế bệnh DTLCP và đảm bảo chăn nuôi an toàn, công tác chăn nuôi ATSH là giải pháp quan trọng nhất hiện nay: Phải thực hiện nghiêm ngặt 3 nguyên tắc cơ bản trong chăn nuôi an toàn là Cách ly – Làm sạch – Khử trùng; Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để tăng sức đề khỏe cho đàn lợn; Tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất giống, đảm bảo nguồn giống không bị nhiễm DTLCP. Việc tái đàn cần đảm bảo thực hiện tốt quy trình chăn nuôi ATSH và tái đàn có kiểm soát.

"Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng các dự án chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; Tiếp tục chuyển giao các tài liệu phòng chống dịch tả lợn châu Phi, giới thiệu các mô hình hay để nhân rộng trong sản xuất; Tiếp tục tổ chức các Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp với bà con nông dân để hỗ trợ tối đa cho khôi phục sản xuất, phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới", bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết.

Ánh Nguyệt