Ông Nguyễn Tiến Nhường - PCT UBND tỉnh Bắc Ninh, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Nguyễn Hữu Trượng - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đồng chủ trì Diễn đàn.

 

Hiện nay, một số khâu sản xuất trong nông nghiệp đã được cơ giới hóa cao, giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ khẩn trương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp. Hàng trăm công cụ sạ lúa theo hàng, máy cấy mạ khay, gặt lúa rải hàng, gặt đập lúa liên hợp; thu hoạch mía rải hàng, bốc xếp mía; máy tẽ, sấy hạt ngô, máy hái chè, máy thu hoạch cà phê; máy cấp nước, thức ăn tự động, máy thái cỏ, băm rơm, máy vắt sữa bò trong chăn nuôi.... đã được ứng dụng vào sản xuất và phát huy hiệu quả ở vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình đang gặp nhiều khó khăn, tính bình quân thu nhập trên đơn vị diện tích thì lớn nhưng số diện tích thực làm rất thấp so với năng lực của máy móc. Để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, cần phải thay đổi tư duy của người nông dân, từ đó thay đổi phương thức sản xuất. Giải pháp xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đề cao sự liên kết giữa các hộ nông dân sản xuất trên cùng một cánh đồng, giữa doanh nghiệp với nông dân và nông dân với các nhà khoa học. Vì vậy việc hình thành các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là yêu cầu tất yếu. Diễn đàn chuyên đề “Phát triển tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp” lần này quy tụ đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để cùng trao đổi, tư vấn cho bà con nông dân những khó khăn, vướng mắc, từ đó có những biện pháp “đúng đích” thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất. Đây cũng là dịp để giới thiệu, khuyến khích và tác động tới tư duy của người nông dân sản xuất theo mô hình tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa.

 

Toàn cảnh Diễn đàn (ảnh: Hoa Trà)

 

Diễn đàn có sự tham dự của gần 300 đại biểu là đại diện các cục, vụ, viện của Bộ Nông Nghiệp &PTNT, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông của 7 tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Giang. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân các tỉnh vùng ĐBSH, các doanh nghiệp, đại diện cơ sở tiêu biểu trong phát triển tổ hợp tác cơ giới hóa của tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. 55 câu hỏi của bà con nông dân xoay quanh các vấn đề về khoa học kỹ thuật, chính sách hỗ trợ thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, điều kiện thành lập HTX, THT... được Ban cố vấn Diễn đàn giải đáp thỏa đáng.

 

Tại Diễn đàn, đại biểu đã được nghe báo cáo về thực trạng và giải pháp cơ giới hoá nông nghiệp, kết quả nghiên cứu và ứng dụng một số máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa đồng bộ sản xuất cho một số cây trồng chính ở nước ta, hiệu quả các mô hình cơ giới hóa và liên kết sản xuất lúa vùng ĐBSH. Đặc biệt, phần trình bày về kinh nghiệm tổ chức, quản lý hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của chủ cơ sở Tiến Anh (xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), cơ giới hóa đồng bộ tại thôn Mộ Đạo, Quế Võ, Bắc Ninh của Chủ nhiệm Tổ hợp tác thôn Mộ Đạo đã thu hút sự chú ý của các đại biểu. Điểm mới trong mô hình tổ hợp tác cơ giới hóa là thực hiện đồng bộ các khâu cơ giới hóa từ khâu chọn giống, khâu làm mạ khay, cấy bằng máy, làm đất, thu hoạch.

 

Điều kiện đồng ruộng ở ĐBSH manh mún, sản xuất theo phương thức cá thể nên rất khó để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất. Vì vậy, hiện nay trong vùng mới chỉ phổ biến cơ giới hoá khâu làm đất, một phần nhỏ diện tích sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa. Tuy nhiên căn nguyên của sự chậm chễ quá trình cơ giới hóa là do tư duy, tập quán sản xuất của người nông dân Việt Nam trong việc thực hiện dồn điền đổi thửa cũng như áp dụng khoa học công nghệ trong khâu gieo cấy, làm đất, thu hoạch. Điển hình như ở Bắc Ninh, thực hiện chủ chương DĐĐT từ năm 2005, nhưng đến nay nhiều nơi còn để đồng ruộng manh mún, bờ vùng, bờ thửa chưa được quy hoạch lại, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, trạm bơm, đường điện... chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay mô hình tổ hợp tác cơ giới hóa ở Bắc Ninh đang được người dân quan tâm bởi tính thực tiễn, gần gũi với lợi ích của bà con. Ông Nguyễn Văn Xuyên - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Bắc Ninh cho biết, tỉnh đang khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, trong đó bao gồm hình thức THT và HTX. Trung tâm KNKN Bắc Ninh đã tổ chức triển khai thực hiện đề tài khoa học “Xây dựng mô hình tổ dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trong điểm nông thôn mới” từ tháng 3/2012 đến tháng 3/2016. Kết quả, đã hoàn thành xây dựng tổ dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất trồng trọt tại xã Mộ Đạo - huyện Quế Võ và tại xã Phú Lương - huyện Lương Tài; từ tháng 3/2014 đến tháng 3/2015 sẽ triển khai xây dựng tổ dịch vụ trong HTX dịch vụ thuộc xã Phú Lâm - huyện Tiên Du. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ tổng kết đánh giá chung để xây dựng và đề xuất giải pháp nhân rộng, triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh Bắc Ninh.

 

Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, đến năm 2020 những vùng nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và đến năm 2030 được cơ giới hóa đồng bộ, trang bị công suất máy bình quân cả nước đạt 3-3,5 HP/ha vào năm 2020 và 3,5-5 HP/ha vào năm 2030. Để hoàn thành mục tiêu đó, cần tập trung một giải pháp chính như: Xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ về cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch; Khuyến khích công nghiệp chế taọ máy móc phục vụ nông nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực về cơ khí nông nghiệp và bảo quản sau thu hoạch; Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước; Khuyến khích, hỗ trợ thực hiện công tác “dồn điền đổi thửa”, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

 

 

TS. Phan Huy Thông (thứ 2, từ phải sang) đang trao đổi với bà con nông dân bên lề Diễn đàn (ảnh: Hoa Trà)

 

Kết luận Diễn đàn, TS. Phan Huy Thông – GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, để đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp cần phải tạo ra một cách làm mới, kỹ thuật mới mà trong đó các hộ dân phải thống nhất từ khâu chọn giống, làm đất, thời điểm gieo sạ đến khâu thu hoạch và chăm sóc cây trồng theo một hướng dẫn chung của Hợp tác xã. Việc đưa CGH vào sản xuất hết sức cần thiết, nhưng quan trọng phải do người dân hợp tác, liên kết, chính quyền địa phương nên là “trọng tài” để các chủ máy có sự hoạt động thống nhất. TS. Phan Huy Thông đánh giá cao cách làm của Tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong trồng trọt tại xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và đặc biệt cách tổ chức, quản lý hợp tác dịch vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của ông Bùi Tiến Lực – Chủ Cơ sở Tiến Anh (xã Định Hòa, Yên Định, Thanh Hóa). Đây là một phương thức sản xuất hay và mới, gắn với lợi nhuận của người trực tiếp sản xuất.

 

Qua các báo cáo trình bày và những câu hỏi thảo luận giữa Ban cố vấn và các đại biểu, để nâng cao hiệu quả CGH trong sản xuất vùng ĐBSH, TS. Phan Huy Thông đề nghị Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh tiếp thu các kiến nghị của bà con tại Diễn đàn để điều chỉnh chính sách phù hợp điều kiện thực tế. Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu địa phương, Cục Trồng trọt nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT quy trình sản xuất đồng bộ trong cơ giới hóa; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập hợp địa chỉ của các chủ máy để phục vụ công tác kết nối thông tin giữa chủ máy với bà con nông dân.

 

 

Bà con nông dân thăm quan máy gặt đập liên hợp trưng bày tại Diễn đàn (ảnh: Hoa Trà)

 

 

Trình diễn máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng xã Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh (ảnh: Hoa Trà)

 

Nguyễn Mai