Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc TTKNQG, ông Hoàng Trung - Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), bà Nguyễn Thúy Kiều - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ đồng chủ trì diễn đàn

Hội nghị đã có sự tham gia của 260 đại biểu, trong đó có 190 đại biểu là nông dân từ 07 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ; 05 đơn vị cục, vụ, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; 07 đơn vị báo chí và truyền hình. Đại biểu đã được nghe trình bày 04 báo cáo tham luận và trả lời 32 câu hỏi của nông dân và đại biểu.

Nội dung thảo luận của diễn đàn có chất lượng hỏi đáp cao, mục tiêu đạt được như kế hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng được thắc mắc của người hỏi. Các câu hỏi chủ yếu tập trung vào các vấn đề chính quanh vấn đề bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; cách phân biệt bị rầy, bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá và ngộ độc hữu cơ; bảo vệ thực vật trong phòng trị rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá; cách quản lý rầy hiệu quả; xử lý hạt giống, phun thuốc phòng trừ rầy; giải pháp để né rầy;...

Toàn cảnh diễn đàn

Rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là đối tượng gây hại lúa rất lớn, khi xảy ra thiệt hại nặng nề đến năng suất lúa, thậm chí phải phá bỏ. Rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá đã từng xảy ra thành dịch, gây thiệt hại lớn cho sản xuất lúa ĐBSCL. Cụ thể, các năm 2006, 2007, 2008 diện tích nhiễm rầy đến 1,5 triệu hécta, vàng lùn - lùn xoắn lá đến 300 ngàn hécta.

Bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá với nguyên nhân là siêu vi khuẩn, khi bệnh xuất hiện trên đồng ruộng, nặng sẽ mất trắng năng suất và môi giới truyền bệnh là rầy nâu. Việc khống chế mật độ rầy nâu trên đồng ruộng sẽ làm giảm, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Chủ động phòng trừ rầy nâu, nên 10 năm gần đây vùng ĐBSCL khống chế được bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

Vụ hè thu 2017, diện tích lúa bị rầy trên 300 ngàn hécta, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trên 8 ngàn hécta. Dự báo vụ lúa thu đông bệnh rầy nâu di trú với số lượng lớn gây nguy cơ bùng phát dịch vàng lùn - lùn xoắn lá nếu chúng ta không có các giải pháp kịp thời từ vụ hè thu năm nay.

Mẫu lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá

Tổng kết diễn đàn, TS Trần Văn Khởi đã đưa ra một số giải pháp cơ bản phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa tại các tỉnh Nam Bộ như sau:

- Xác định thời vụ xuống giống lúa thích hợp cho từng vùng trên cơ sở kết quả bẫy đèn xác định rầy nâu trên đồng và điều kiện thực tế tại địa phương.

- Bố trí cơ cấu giống lúa theo hướng ưu tiên giống chống chịu khá với rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

- Xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, đảm bảo cách ly giữa hai vụ lúa 20 - 30 ngày. Giảm lượng giống lúa gieo sạ còn 80-100 kg/ha/vụ.

- Bảo vệ lúa trong giai đoạn 40 ngày sau sạ bằng các biện pháp điều tiết nước, công nghệ sinh thái đồng ruộng (ruộng lúa bờ hoa).

- Hạn chế bón đạm, điều tiết nước hợp lý.

- Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra, khoanh vùng rầy và bệnh; mật độ rầy trên 2.000 con/m2 cần phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, đồng loạt và tập trung cả vùng.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân hiểu biết rõ hơn dịch bệnh, biện pháp phòng trừ rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá. Mở các lớp tập huấn cho nông dân với chuyên đề sâu về dịch bệnh để nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh.

Khảo sát tình hình bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, Hậu Giang

Đề nghị Chi cục Trồng trọt - BVTV và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố bám sát đồng ruộng, thực tế sản xuất để nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp phòng chống kịp thời; hướng dẫn, tư vấn nông dân biện pháp phòng trừ và phòng tránh cho các vụ sản xuất sau.

Đề xuất với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn cho nông dân, đặc biệt ở những vùng có nguy cơ dịch bùng phát cao; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa nói chung và phòng trừ dịch bệnh nói riêng, tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh của Bộ áp dụng vào điều kiện thực tế của địa phương./.

Nguyễn Nhung - Hoa Trà

TTKNQG