Nhằm góp phần ngăn chặn, phòng tránh sự lây lan, bùng phát bệnh ra diện rộng, tạo điều kiện cho các hộ nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, trong 2 ngày 21 - 22/11/2018, tại tỉnh Đăk Lăk, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đăk Lăk tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn”, vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi - Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: “Khảm lá sắn là bệnh hại mới, nguy hiểm, có tốc độ lây lan rất nhanh, không có biện pháp trừ bệnh mà chủ yếu là phòng bằng việc không dùng giống đã nhiễm bệnh, trừ bọ phấn là trung gian truyền bệnh. Hiện nay, bệnh khảm lá sắn đã lan truyền nhiều tỉnh, nếu không có các giải pháp căn cơ, quyết liệt, bệnh sẽ lan rộng ra các vùng khác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành sản xuất sắn của cả nước”.

TS. Trần Văn Khởi phát biểu tại Diễn đàn

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, tính đến tháng 11/2018, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện, gây hại tại các vùng trồng sắn của 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, với mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất tại tỉnh Tây Ninh (khoảng trên 90% diện tích sắn bị nhiễm bệnh). Tổng diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá năm 2018 là trên 41.000 ha, trong đó, diện tích nhiễm bệnh hiện còn trên đồng ruộng là 17.066 ha, diện tích nhiễm bệnh nặng gần 7.400 ha. Số diện tích bị bệnh quá nặng, không có khả năng cho năng suất đã tiêu hủy 316,2 ha.

Sắn được xem là cây dễ trồng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Từ chỗ chỉ là loại cây xóa đói, sắn đã trở thành một trong những loại cây công nghiệp của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD/năm và là nước xuất khẩu sắn đứng thứ 2 thế giới, sau Thái Lan. Sắn và các sản phẩm từ sắn là 1 trong 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được Chính phủ và các địa phương quan tâm phát triển. Diện tích trồng sắn cả nước hiện nay khoảng 550.000 ha, năng suất bình quân đạt gần 19 tấn/ha, vùng trồng thâm canh đạt 35 - 40 tấn/ha.

Việc đầu tư vào sản xuất sắn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng khác. Người trồng sắn đã bắt đầu có tích lũy và làm giàu khi sản xuất sắn. Tuy nhiên, phát triển sắn hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, năng suất thấp, giá cả bấp bênh, đặc biệt là tình hình dịch bệnh gây hại ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng sản phẩm sắn.

Ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Trước tình hình bệnh khảm lá sắn có nguy cơ lây lan rộng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và phòng, chống bệnh khảm lá sắn, thực hiện cấp bách tiêu hủy diện tích sắn bị bệnh, ban hành Quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh khảm lá sắn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hầu hết các địa phương đã rất chủ động, tích cực chỉ đạo nông dân áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh. Tuy nhiên, một số nơi công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh còn chưa quyết liệt, nhất là việc kiểm soát nguồn bệnh trên đồng ruộng và giống nhiễm bệnh lưu thông trên thị trường. Thời gian tới, nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt thì dịch bệnh khảm lá sắn sẽ lây lan rất nhanh khắp cả nước.

Theo các chuyên gia, bệnh khảm lá sắn do vi rút gây ra. Bệnh lan truyền qua 2 con đường chính là qua hom giống và qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Điều nguy hiểm nhất là phổ ký chủ của các loài bọ phấn trắng cực kỳ rộng, có khả năng nhiễm tới 600 loài cây thuộc 74 họ thực vật. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký phòng trừ bọ phấn trắng trên cây sắn. Bên cạnh đó, tình trạng nông dân tự để giống sắn và mua bán, vận chuyển giống sắn nhiễm bệnh từ vùng này sang vùng khác rất khó kiểm soát.

Các chuyên gia trao đổi về bệnh khảm lá sắn tại ruộng thực địa ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk

Diễn đàn đã dành nhiều thời gian để nông dân trao đổi trực tiếp với các nhà quản lý, nhà khoa học, đặc biệt là các chuyên gia về về các chính sách hỗ trợ nông dân khi tiêu hủy diện tích sắn nhiễm bệnh và chuyển đổi sang cây trồng khác; cách nhận biết hom giống bị nhiễm bệnh; địa chỉ mua hom giống sạch bệnh; các giống sắn tốt, ít bị nhiễm bệnh hiện nay; giải pháp quản lý vùng sắn bị nhiễm dịch bệnh để tránh lây lan; biện pháp phòng trừ bọ phấn trắng; kỹ thuật trồng và chăm sóc sắn để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao...

Tại diễn đàn, một số giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn đã được nêu ra:

- Ngành nông nghiệp địa phương cần: Rà soát, thống kê, đánh giá mức độ bệnh để phân vùng và chỉ đạo áp dụng xử lý theo quy trình phòng, chống của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành; Tăng cường tuyên truyền, quản lý tốt việc loại trừ nguồn gốc hom sắn giống bị bệnh đưa vào sản xuất; Linh hoạt đề xuất chính sách hỗ trợ nông dân khi tiêu hủy hay chuyển đổi 1 vụ sắn sang cây trồng khác để cắt nguồn bệnh.

- Hệ thống khuyến nông địa phương và ngành bảo vệ thực vật tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho nông dân xử lý tình huống cụ thể trên đồng ruộng, đảm bảo hài hòa thu nhập của nông dân và mục tiêu phòng chống bệnh.

- Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về cây sắn và chọn giống sắn) khuyến cáo những tiến bộ kỹ thuật về giống chịu bệnh tốt, các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh cho các địa phương...

- Nông dân cần thay đổi nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh, tránh chủ quan, nắm rõ nguyên nhân và sự lan truyền bệnh để phòng tránh. Diện tích đã bị bệnh nặng, có thu hoạch thì phải dọn sạch tàn dư cây bệnh, chuyển 1 vụ sang cây trồng khác. Khi trồng lại phải lấy nguồn giống sạch bệnh, có nguồn gốc đã được xác định, đặc biệt không lấy giống từ tỉnh Tây Ninh.

Toàn cảnh diễn đàn

Đỗ Tuấn - Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Xem video tại đây